• Zalo

Đại gia quay cuồng chuyển nhượng: Nỗi đau của mảnh đất bị ruồng bỏ

Thể thaoThứ Sáu, 22/08/2014 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hầu như tất cả những thương vụ chuyển nhượng ‘bom tấn’, các tài năng sáng giá nhất thế giới đều đang tránh xa bóng đá Italia.

(VTC News) - Hầu như tất cả những thương vụ chuyển nhượng ‘bom tấn’, các tài năng sáng giá nhất thế giới đều đang tránh xa bóng đá Italia. 

Hơn 20 năm trước, Italia chiếm ngôi độc tôn làng bóng đá châu Âu. Tại đấu trường cao nhất - Champions League, các đội bóng Italia thay phiên nhau khuấy đảo ở giải đấu. Từ năm 1989 đến 1998, 9/10 trận chung kết Champions League có sự góp mặt của các đội bóng Italia, và họ đã giành được 4 chiếc cúp vô địch. 
Bóng đá Italia đã từng thống trị châu Âu
Bóng đá Italia đã từng thống trị châu Âu 
Ở Serie A, những huyền thoại nổi danh nhất, như Diego Maradona, Roberto Baggio, Zinedine Zidane, Marco Van Basten, George Weah hay Lothar Matthaus đua nhau tới đầu quân, kéo theo đó là doanh thu cực lớn từ bản quyền truyền hình, bán vé...

Sự thống trị châu Âu của bóng đá Italia còn được thể hiện trên thị trường chuyển nhượng. Thống kê tất cả những thương vụ đắt giá nhất thế giới trong giai đoạn 1952-1992, 15/17 lần, nơi đến của các “bom tấn” là Serie A. 

Nhưng, tất cả những ánh hào quang kể trên đã thuộc về quá khứ. 
Serie A từng là điểm đến của các 'bom tấn'
 Serie A từng là điểm đến của những ngôi sao hàng đầu thế giới
Hiện tại, ngoài việc đứng sau La Liga (Tây Ban Nha), Premier League (Anh) và Bundesliga (Đức) ở Champions League, Serie A đã không còn thống trị doanh thu bản quyền truyền hình - chỉ có mỗi Juventus xếp thứ 7 trong top 10 đội doanh thu cao nhất Champions League 2013-14. 

Khía cạnh tài chính bao quát hơn, theo hãng thống kê Deloitte, trong giai đoạn 1989-90, Serie A là giải đấu kiếm được nhiều tiền nhất châu Âu. Nhưng đến mùa giải 1996-97, vị trí này đã thuộc về Premier League, với khoảng cách hơn Serie A (thứ 2) là 143 triệu Euro. Và ở hiện tại, khoảng cách này đã được nới rộng lên đến khoảng 1.3 tỉ Euro.

Sự bết bát của Serie A còn được minh chứng rõ rệt qua lượng khán giả tới sân. Thay vì thói quen ngày xưa, các tifosi giờ rủ nhau vào các quán rượu, cùng nhau say sưa thưởng thức các trận đấu bóng đá ở các giải đấu hàng đầu châu Âu khác - theo tìm hiểu của Goal Italia. 
Tổng doanh thu mùa giải 2012-13 của 5 giải đấu hàng đầu châu Âu
 Tổng doanh thu mùa giải 2012-13 của 5 giải đấu hàng đầu châu Âu
Trên thị trường chuyển nhượng, vì chế độ đãi ngộ, mức lương không thỏa đáng, không chỉ có tài năng trẻ tìm cách rời khỏi Serie A, mà ngay cả những tên tuổi lớn như Arturo Vidal, Paul Pogba hay Mario Balotelli... đều đang “tán tỉnh” những đội bóng khác rước họ về. Trong khi, những cái tên đến với Serie A chỉ thuộc dạng tầm trung - như Gary Medel, Michu; “hàng thải” - như Alvaro Morata, Jeremy Menez; đã quá tuổi - như Patrice Evra, Nemanja Vidic... 

 

Tiền vé ở Italia chỉ mang đến 11% doanh thu cho các đội bóng, trong khi ở La Liga hay Premier League trung bình trên 20%


Giải thích về sự sa sút về mặt tài chính của Serie A, chuyên gia tư vấn kinh tế thể thao - Alex Thorpe của Deloitte cho hay, các đội bóng Italia đã không còn có thể vay nợ ngân hàng để mang về những siêu sao tầm cỡ như Maradona trước kia, lí do là bởi tính không bền vững trong đầu tư, thậm chí dẫn đến cả tuyên bố phá sản như Napoli vào năm 2004, hay trước đó là Lazio, Parma, Fiorentina...

Thêm vào đó, nếu ở Premier League, ngay cả Chelsea hay Man Utd đều phải ra sân thi đấu vào giờ ăn trưa, để phục vụ khán giả châu Á - thị trường cực lớn thì, ở Serie A, những tên tuổi lớn như Juventus, AC Milan, Inter Milan hiếm khi phải chịu tình cảnh này. “Rõ ràng Serie A đã không xem trọng đến chuyện thu hút khán giả truyền hình”, Thorpe nói. 

Dự đoán về tương lai tài chính của các đội bóng Serie A, Thorpe cho rằng: “Dẫu Serie A đã bắt đầu cách làm như hầu hết các đội bóng khác ở châu Âu, ví dụ có chủ sở hữu nước ngoài, đầu tư ngoài bóng đá... Nhưng sẽ phải mất khá lâu nữa, Serie A mới có thể lấy lại sức hấp dẫn của mình”. 

“Bởi lẽ, Luật công bằng Tài chính đang ngày càng khắt khe, trong khi các đội bóng Italia gần như phải bắt đầu lại từ đầu. Điển hình nhất là AC Milan sau rắc rối của Chủ tịch Silvio Berlusconi, Inter Milan với sự chán chường của Angelo Massimo Moratti, và hi vọng cuối cùng là Juventus đang vất vưởng với sự dè dặt đầu tư của gia đình Agnelli - chủ sở hữu hãng xe Fiat danh tiếng”, Thorpe kết thúc. 
Đến khi nào Serie A mới có một Maradona 'mới'?
Đến khi nào Serie A mới có một Maradona 'mới'? 

Vòng xoáy “kim tiền” trên thị trường chuyển nhượng rõ ràng đã hạ bệ vị thế của Serie A một cách ngoạn mục. Nhưng mọi chuyện có lẽ sẽ thay đổi nếu các đội bóng Italia có được chính sách phát triển hợp lý, để có được nền tảng tài chính bền vững, để một lần nữa, bán đảo hình chiếc ủng sẽ lại bến số một trong mắt các siêu sao thế giới.
Mario Balotelli là ngôi sao tiếp theo rời nước Ý. Anh đồng ý chuyển sang thi đấu cho Liverpool với giá chỉ 16 triệu bảng.

Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn