• Zalo

Đại gia phá sản vì đốt cả triệu USD vào những món đồ gò sành

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 30/12/2014 06:10:00 +07:00Google News

Số tiền cả triệu USD bị Nguyễn Vĩnh Hảo tiêu sạch vào việc mua đồ gò sành của người Chăm.

(VTC News) - Số tiền cả triệu USD bị Nguyễn Vĩnh Hảo tiêu sạch vào việc mua đồ cổ.

Kỳ 2: Đốt tiền vào cổ vật

Nguyễn Vĩnh Hảo (Giám đốc Bảo tàng Gò Sành – Vijaya – Chăm Pa Bình Định) kể rằng, từ nhỏ, anh đã chìm đắm trong những gian phòng chứa ngập cổ vật Chăm. Kế nghiệp cha, anh trở thành nhà sưu tập, rồi thành một tay buôn đồ cổ khét tiếng. Không chỉ đất Bình Định, mà giới buôn bán, sưu tầm cổ vật cả nước biết tên, kính nể.

Những năm 1990, Nguyễn Vĩnh Hảo có trong tay cả triệu USD, một số tiền lớn đến mức không tưởng tượng nổi. Biết bao nhiêu món cổ vật qua tay anh, đã mang về cả bao tiền. Anh mua tất cả cổ vật Chăm với giá sắt vụn, nhưng bán với giá trị vàng ròng.

Thời kỳ đó, ở đất Bình Định, chỉ có Nguyễn Vĩnh Hảo mới biết đến giá trị của cổ vật Chăm và định giá được nó. Nghĩ lại chuyện đem những pho tượng vàng ròng của đế chế Vijaya đem bán lấy tiền tiêu, mà giờ đây Nguyễn Vĩnh Hảo cứ thở dài tiếc nuối cho một thời nông nổi.

Anh bảo, thời kỳ đó, anh có một Slogan: “Hãy ốm đau và nghèo khổ để biết được những hạnh phúc cận kề”. Có nghĩa là, Nguyễn Vĩnh Hảo giàu quá, sướng quá, đến nỗi không biết làm gì để sung sướng và hạnh phúc nữa, cuộc đời chẳng còn gì để mà mơ ước nữa.
Nguyễn Vĩnh Hảo sống ẩn thân ở khu nhà hoang ven biển 
Đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đi sâu nghiên cứu về gốm Gò Sành, loại gốm tráng men ngọc, Nguyễn Vĩnh Hảo mới thực sự bị cuốn hút. Dường như lúc đó anh mới biết được mục đích, ý nghĩa của đời mình.

Ngồi trước dãy nhà hoang lộng gió hướng ra biển ở Phú Yên, anh bảo rằng: “Tôi tin rằng, có một thế lực vô hình thôi thúc tôi phải làm điều gì đó cho quê hương”.

Tuy nhiên, cổ vật còn lại trong dân rất ít, mà đã bị phân tán đi khắp nơi, đặc biệt nhiều là ở phố Nguyễn Công Kiều, phố buôn đồ cổ nổi tiếng ở TP. HCM.
 
 
Những cổ vật quý ở Bảo tàng Gò Sành 
Những năm đầu thập kỷ 90, ngay cả giới buôn đồ cổ cũng không biết nhiều về dòng gốm Gò Sành, nên anh thu mua được với giá khá bèo bọt. Thế nhưng, khi giới buôn đồ cổ thấy Nguyễn Vĩnh Hảo thu mua dòng gốm Gò Sành có xuất xứ từ Bình Định ráo riết, không thèm mặc cả, bao nhiêu cũng mua, thì họ đều tăng giá.

Thời kỳ đó, vàng rất giá trị, nhưng Nguyễn Vĩnh Hảo đã phải bỏ ra 3-5 lượng vàng, một số tiền đủ mua căn nhà phố, để mua một chiếc bình, một chiếc bát gốm men ngọc, trong khi giới buôn cổ vật chỉ mua với giá vài phân vàng, hoặc vài ngàn đồng từ giới đào bới cổ vật.
Lãnh đạo cao cấp đến tham quan Bảo tàng Gò Sành 
Nguyễn Vĩnh Hảo bảo, kể chuyện sưu tầm cổ vật người Chăm, thì có cả ngày không hết, nhưng có những câu chuyện khiến anh nhớ mãi, mà anh tin rằng, có “vị thần Hời” bí ẩn nào đó hỗ trợ, giúp đỡ anh, mới mua được những thứ quý như bảo vật, dù có lục tung cả trái đất này, cũng không tìm thấy nữa.

Vào năm 1995, giới săn lùng cổ vật truyền tin về một gia đình ở Đập Đá (An Nhơn) có trong tay một chiếc bình cổ tuyệt đẹp thuộc Vương triều Vijaya, Nguyễn Vĩnh Hảo đã lập tức tìm về Đập Đá.

Chủ nhà lôi chiếc bình ra, Nguyễn Vĩnh Hảo đã thực sự choáng ngợp. Đó là chiếc bình ngự dụng, kiểu thời Tống thế kỷ 11, được sản xuất tại làng Gò Sành.

Là người cực kỳ sành đồ Chăm cổ, anh Hảo định giá ngay chiếc bình đó trị giá 1 cây vàng vào thời điểm đó. Nguyễn Vĩnh Hảo trả luôn giá đó, tin rằng mua được ngay, thế nhưng, không ngờ ông chủ chiếc bình lắc đầu không bán.
Lãnh đạo cấp cao ngành văn hóa tham quan bảo tàng 
Biết Nguyễn Vĩnh Hảo thích chiếc bình này và có ý mua bằng được, nhưng lại không biết phải đòi từng nào, nên chủ nhân cứ ậm ờ, không đưa đưa giá.

Sau cả chục lần đi lại, anh trả tăng lên 5 cây vàng, nhưng lão nông kia vẫn quyết không bán.

Sau một tháng giằng co nhau, một hôm, đến 12 giờ đêm, nằm trằn trọc không ngủ được, Nguyễn Vĩnh Hảo đã phóng xe đến Đập Đá. Nguyễn Vĩnh Hảo bức xúc quá, quát tháo ầm ĩ giữa đêm: “Sao ông cứ làm khó dễ cho tôi thế? Sao ông không bán cho tôi? Ông bán bao nhiêu thì phải nói ra chứ, không tôi đốt nhà ông bây giờ?”.

Ông nông dân này thấy Nguyễn Vĩnh Hảo quát tháo thì cười nói: “Thôi, anh trả 5 cây vàng là được rồi. Cái bình này thực ra không đến mức bằng mấy ngôi nhà ở quê như thế, nhưng vì nó là vật gia bảo tổ tiên nhiều đời, nên tôi không biết phải định giá thế nào. Anh yêu cổ vật như vậy, tôi bớt cho anh nửa cây nữa, chỉ lấy 4 cây rưỡi thôi”.

Thế là Nguyễn Vĩnh Hảo mua được chiếc bình quý, không có cái thứ 2 trên thế giới này.

Rồi còn nhiều món bảo vật nữa, như tượng tròn tu sĩ, tượng tròn hộ pháp, tượng sơn thần và tượng đầu 3 mặt, được làm từ chất liệu gốm của làng Gò Sành, do những nghệ nhân Vương triều Vijaya làm ra, đều không có cái thứ hai trên thế giới.
Nguyễn Vĩnh Hảo hồi ở làng Gò Sành
Suốt bao năm trời, Nguyễn Vĩnh Hảo chỉ mua chứ không bán. Từ một tay buôn cổ vật khét tiếng, Nguyễn Vĩnh Hảo trở thành nhà sưu tầm khủng, chỉ lưu giữ những cổ vật có xuất xứ từ làng gốm Gò Sành, tức cổ vật gốm thuộc Vương quốc Vijaya.

Số lượng cổ vật anh gom về căn nhà của mình đã lên tới 3.000 món, trong đó 1.500 món tuyệt đẹp, đặc sắc và 300 cổ vật vô cùng quý hiếm, đều là các bảo vật có một không hai. Và, số tiền cả triệu USD mà Nguyễn Vĩnh Hảo từng có trong thời hoàng kim buôn bán cổ vật cũng đã bị anh tiêu sạch vào việc mua đồ cổ.

Nguyễn Vĩnh Hảo kể: “Những năm đó, rất nhiều nhà sưu tầm, đại gia, cả các chuyên gia, bảo tàng Nhà nước đến gặp tôi, đòi mua món nọ, món kia, có món với giá cả tỷ bạc, nhưng tôi nhất định không bán.

Theo lẽ thông thường, nếu khó khăn, bán đi một vài món để giải quyết công việc, nhưng tôi không sao đủ bản lĩnh để bán đi thứ gì. Tôi nghĩ tôi bị hồn vía người Hời “ám” vào, và những món cổ vật quanh mình như máu thịt của mình, không dứt ra được.

Tôi làm cái gì, cũng như có lực lượng vô hình ủng hộ, giúp đỡ. Hết tiền, thì tự dưng lại có tiền để thực hiện ước mơ. Trong khi, nói thực, các cơ quan địa phương thì chẳng giúp được cái gì”.

Video cuộc khai quật cổ vật

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn