Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, sản lượng sữa tươi của cả nước đạt khoảng 550 triệu lít, trong đó 450 triệu lít đưa vào sản xuất sữa tươi, phần còn lại sử dụng cho sữa chua, trong khi tổng nguồn cung sữa nước ra thị trường lên tới 914 triệu lít. Như vậy, sữa tươi nguyên chất chỉ mới đáp ứng gần một nửa nhu cầu thị trường. Nhu cầu sữa tươi sẽ không dừng lại, do mức bình quân tiêu thụ sữa ở Việt Nam mới chỉ đạt 15 lít/người/năm, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (35 lít/người/năm), Singapore (45 lít/người/năm).
Chính vì thế, nguồn nguyên liệu sữa tươi sẽ là điểm tựa cho chiến lược cạnh tranh trong phân khúc này. Nhận thức được tầm quan trọng của vùng nguyên liệu sữa tươi, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ. Thị trường đang chứng kiến những động thái tăng tốc xây dựng trang trại nuôi bò sữa của hàng loạt tên tuổi lớn.
Hơn 120.000 con bò, cung cấp 750 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày
Là doanh nghiệp sữa lớn, từ năm 2007, Vinamilk đã tung ra sản phẩm sữa tươi Vinamilk UHT có thành phần 100% nguyên liệu sữa tươi, nhằm thu hút người tiêu dùng. Khi đó, thị trường còn chưa cạnh tranh gay gắt như hiện nay, cộng với thương hiệu sữa Vinamilk đã giúp doanh nghiệp này đạt được thành công nhất định nhờ chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa. Hiện Vinamilk đã chiếm lĩnh thị trường trong nước với một quyền lực phân phối tối thượng: khoảng 55% thị phần sữa nước, 85% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần sữa bột trẻ em.
Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk từng khẳng định, việc tạo lập vùng nguyên liệu sữa tươi là chiến lược phát triển dài hạn và bền vững cho Vinamilk. Năm 2006, Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong phát triển trang trại bò sữa với quy mô công nghiệp hiện đại nhất lúc bấy giờ với số tiền đầu tư 500 tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống trang trại được xây dựng khép kín, tự động hóa với giống bò được tuyển chọn kỹ lưỡng nhằm đem đến năng suất sữa cao nhất.
Cuộc “cách mạng trắng” bắt đầu từ năm 1991 đã góp phần hình thành và phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam. Qua đó giúp Vinamilk chủ động được 50% nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất (năm 2015). Tổng đàn bò từ 3.000 con (năm 1991) tăng lên 120.000 con hiện nay (tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk), mỗi ngày cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu. Với kế hoạch phát triển trang trại mới, công ty sẽ đưa tổng số đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 140.000 con vào năm 2017 và khoảng 160.000 - 180.000 con vào năm 2020.
Sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên gấp đôi, là 1.000 - 1.200 tấn/ngày đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa phục vụ nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu. Với chiến lược này, nguồn cung sữa nguyên liệu trong nước sẽ tăng trong 5 năm tới và góp phần làm giảm tỷ lệ phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Sản lượng sữa tươi nguyên liệu thu mua năm 2015 đạt 216.485 tấn. Trong đó, sữa tươi nguyên liệu thu mua từ hộ dân là 178.890 tấn, tăng 15,83% so với 154.440 tấn của năm 2014. Các trang trại bò sữa của Vinamilk do công ty con là Công ty TNHH MTV Bò Sữa Việt Nam cung cấp 37.596 tấn, tăng 27,56% so với 29.472 tấn của năm 2014.
Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi bò sữa tại các nông hộ quy mô gia đình, công ty đã xây dựng các mối liên kết với các công ty chăn nuôi để phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô 100 - 200 con, với thiết kế chuồng trại hiện đại, áp dụng các tiến bộ công nghệ, đầu tư cao. Đây sẽ là đối tác chiến lược cho việc cung cấp nguồn nguyên liệu sữa tươi trong hệ thống vùng nguyên liệu công ty.
Cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi vượt lên
Nuôi bò sữa đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, dễ gặp rủi ro với lãi suất biến động thất thường. Thực tế, sau khi Vinamilk xây trang trại bò sữa đầu tiên vào năm 2006, họ đã mất tới 3 năm để hoàn vốn và đến năm 2009 mới khởi động tiếp các dự án nuôi bò sữa khác.
Tuy nhiên, đổi lại, sự tăng tốc phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi của doanh nghiệp cũng sẽ đi cùng với tốc độ tăng trưởng doanh thu. Bắt đầu đầu tư trang trại bò sữa vào năm 2006, trong cùng năm đó Vinamilk đạt doanh thu 6.245 tỷ đồng, trong khi đến năm 2015, doanh thu tăng lên 40.223 tỷ đồng.
Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Vinamilk khẳng định: "Vào TPP, chúng tôi đang chủ động xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi theo hướng tăng trưởng nhanh đàn bò, đáp ứng cho nhu cầu chế biến các sản phẩm sữa của công ty".
Theo thống kê của Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, năm 2014 số lượng đàn bò là 200.400 con với tổng lượng sữa ước tính đạt 540 nghìn tấn, tăng 14% so với năm 2013 và 67% so với năm 2010. Theo dự đoán, số lượng đàn bò sữa năm 2020 tăng lên xấp xỉ 400.000 còn đến năm 2035 là 835 nghìn con. Như vậy mức tăng trưởng đàn bò sữa ở Việt Nam là rất lớn.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi cho biết, những năm gần đây thị trường chăn nuôi Việt Nam có sự tham gia rất đông của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đầu tư. Đây là cơ hội tốt để phát triển ngành chăn nuôi nói chung và thị trường sữa nói riêng.
Với vai trò đầu tàu trong phát triển ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam, Vinamilk hiện đang có 10 trang trại trong đó có 7 trang trại theo chuẩn Global G.A.P trang bị công nghệ cao, khép kín từ đồng cỏ đến trang trại và 3 trang trại khác đang được công ty xây dựng. Tổng đàn bò sữa (sở hữu và liên kết với nông dân) của Vinamilk đạt xấp xỉ 120 ngàn con. Mỗi ngày, Vinamilk thu mua hơn 750 tấn sữa tươi nguyên liệu trực tiếp từ 8.000 nông hộ, chiếm 60% lượng sữa của các hộ chăn nuôi, và từ các trang trại bò sữa. Để tạo một mô hình khép kín từ đầu vào, cung cấp thức ăn thô xanh cho các trang trại, Vinamilk đã có chiến lược sử dụng nguồn quỹ đất hợp lý. Chủ trương của Vinamilk là không thu hồi đất của người nông dân để phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa với diện tích lớn mà chủ yếu là khai thác nguồn lực về đất đai và lao động từ bà con nông dân. Hợp đồng với họ trồng cây thức ăn gia súc (ngô cỏ) cung cấp cho các trang trại. Tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân, không tách rời nông dân khỏi mảnh đất của họ. Góp phần phát triển tam nông, đảm bảo anh sinh xã hội. Quỹ đất của Vinamilk chỉ có khoảng 3.500 héc ta, nhưng phần lớn vẫn giao cho bà con canh tác. 10 trang trại của Vinamilk chỉ sử dụng hơn 1000 héc ta đất.
Bình luận