• Zalo

'Đại gia' chứng khoán oằn vai gánh nặng nợ nần

Kinh tếThứ Ba, 05/04/2016 11:30:00 +07:00Google News

Nhiều tên tuổi lớn như: Hoàng Anh Gia Lai, Masan, Hòa Phát... đang gánh trên vai những khoản nợ cả chục nghìn tỷ đồng.

Nhiều tên tuổi lớn như: Hoàng Anh Gia Lai, Masan, Hòa Phát... đang gánh trên vai những khoản nợ cả chục nghìn tỷ đồng.

Mặc dù lãi suất tín dụng giảm nhưng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp (DN) niêm yết nói chung vẫn tăng mạnh, do tình trạng nợ gia tăng. Trong đó, nhiều tên tuổi lớn như: Hoàng Anh Gia Lai, Masan, Hòa Phát... đang gánh trên vai những khoản nợ cả chục nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp càng lớn, nợ càng nhiều

Cuối tháng 3, một số ngân hàng thương mại là chủ nợ của Công ty cổ phần (CTCP) Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) đã phải bàn về việc xử lý các khoản nợ liên quan đến DN này.

Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức đang phải cõngkhoản nợ gấp 2 lần vốn chủ sở hữu (Trong ảnh: Dự án căn hộ Phú Hoàng Anh, đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP.HCM)

Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 được HAG công bố giữa tháng 3, sau nhiều lần trì hoãn cho thấy DN lỗ hơn 566 tỷ đồng. Như vậy, nợ của HAG lớn gấp 2 lần so với vốn chủ sở hữu (15.963 tỷ đồng) và bằng hơn 70% tổng tài sản (hơn 46.604 tỷ đồng).

Dù nợ vay trung và dài hạn của HAG chiếm tỷ lệ cao hơn, song con số nợ quá lớn vẫn tạo áp lực nặng nề lên DN. Chỉ tính 3 quý đầu năm 2015, HAG đã phải trả gần 750 tỷ đồng lãi vay, tăng gần gấp đôi cùng kỳ.

Nợ doanh nghiệp niêm yết tăng 12%


Tình trạng nợ nần của các DN tiếp tục xu hướng tăng. Theo tính toán của Vietstock, lượng vay nợ (ngắn và dài hạn) của các DN niêm yết trên 2 thị trường chứng khoán Hà Nội và TP HCM tính đến cuối năm 2015 tăng 12%, lên mức hơn 357.370 tỷ đồng. Chi phí lãi vay phải trả trong kỳ của các DN cũng tăng hơn 6%, ở mức 20.470 tỷ đồng.

Dù các “chủ nợ” của HAG đã thỏa thuận sẽ tái cơ cấu một số khoản nợ cho CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) - là công ty con của HAG nhưng hướng xử lý nợ của DN này vẫn còn khá mờ mịt.

Theo các chuyên gia kinh tế, HAG phải bằng mọi cách tái cấu trúc để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi và hiệu quả nhất. Đồng thời, thay đổi cách thức, tổ chức quản trị công ty. “HAG cần những người quản lý chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và cập nhật các kỹ năng quản trị hiện đại, đặc biệt có tầm nhìn về quản lý tài chính, chứ không thể tiếp tục là nơi tập trung nhiều thành viên thân thiết, quản trị điều hành còn cảm tính như hiện nay”, đại diện một chủ nợ nhận xét.

Không riêng HAG, nhiều “đại gia” trên thị trường chứng khoán cũng đang phải gánh trên vai những khoản nợ khổng lồ. Chẳng hạn, Tập đoàn Masan (MSN) đang có nợ phải trả hơn 44.740 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015, tăng hơn 13.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 15.000 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 29.735 tỷ đồng. Khoản nợ của MSN cũng gấp hơn 1,6 lần so với vốn chủ sở hữu và bằng 62% tổng tài sản của DN. Năm 2015, chỉ riêng chi phí lãi vay hơn 725 tỷ đồng, bằng hơn 1/2 lợi nhuận thuần là 1.361 tỷ đồng. Đáng chú ý, so với cuối năm 2014, lợi nhuận MSN giảm gần 500 tỷ đồng, còn chi phí lãi vay tăng thêm gần 350 tỷ đồng (gấp gần 2 lần).

Hay một “ông lớn” khác cũng có nợ nhiều là Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Tính đến 31/12/2015, tổng tài sản của HPG hơn 25.000 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu hơn 14.466 tỷ đồng; Nợ phải trả hơn 11.000 tỷ đồng...

Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn

Một số DN có tốc độ tăng trưởng dư nợ rất cao, như CTCP Đầu tư & Sản xuất Thống Nhất (GTN) từ 30 tỷ đồng cuối năm 2014 lên hơn 600 tỷ đồng cuối năm 2015 (vay ngắn và dài hạn). CTCP Đầu tư Cầu đường CII (LGC), dư nợ vay ngắn và dài hạn cũng tăng vọt từ 245 tỷ đồng lên hơn 4.000 tỷ đồng; Kèm chi phí lãi vay từ 15 tỷ lên 140 tỷ đồng. CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII), dư nợ vay ngắn và dài hạn tăng từ 150 tỷ đồng lên 860 tỷ đồng... Khoản vay nợ này chủ yếu được đổ vào hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Hiện, trên thị trường chứng khoán có nhiều DN tổng vay nợ chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản, hoặc nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Chẳng hạn như, CTCP Lương thực Vĩnh Long (VLF) đang vay nợ 178 tỷ đồng trong khi tổng tài sản chỉ có 193 tỷ đồng (nợ tương ứng 92% giá trị tài sản). Chi phí lãi vay của VLF 24 tỷ đồng cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến công ty lỗ hơn 74 tỷ đồng trong năm 2015.

CTCP than Hà Lầm đang vay 2.470 tỷ đồng/tổng tài sản 3.241 tỷ đồng (76%)... Nhiều DN khác có tỷ lệ vay nợ trên tổng tài sản từ 60-70% cùng với khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng trong năm 2015 như: Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS), Đầu tư Thương mại SMC (SMC), XNK Tổng hợp 1 Việt Nam (TH1), và chi phí lãi vay mà các công ty này gánh chịu cũng là tác nhân không nhỏ gây ra những khoản lỗ này.

Hàng loạt các DN khác còn rơi vào tình trạng báo động về thanh khoản khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Trong đó, Công ty Than Mông Dương - Vinacomin (MDC) và Công ty CP nhân lực Thuận Thảo (GTT) báo lỗ hàng trăm tỷ đồng. CTCP Xi măng Hà Tiên 1, nợ ngắn hạn lên tới 3.056 tỷ đồng trong khi tài sản ngắn hạn chỉ 1.356 tỷ đồng (vượt 1.700 tỷ đồng); CTCP Xi măng Bỉm Sơn, nợ ngắn hạn 2.688 tỷ đồng, vượt tài sản ngắn hạn 1.604 tỷ đồng; CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn, nợ ngắn hạn 1,790 tỷ đồng, vượt tài sản ngắn hạn 1.019 tỷ đồng...

Nguồn: Báo Giao Thông
Bình luận
vtcnews.vn