Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa là dự án thủy lợi nhóm A, được Thủ tướng cho phép đầu tư năm 2006 và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt dự án đầu tư năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng.
Sau hơn 10 năm khởi công, dự án vẫn dang dở, chưa thể đưa vào vận hành do hết tiền, nhưng chưa giải phóng xong mặt bằng, tái định cư. Hàng trăm hộ dân đang bị “treo” trong vùng lòng hồ, vắt trán hỏi trời “khi nào dự án hoàn thành, bao giờ người dân tái định cư được an cư”?
Từ trung tâm huyện Quỳ Châu, vượt qua cung đường lổm chổm ổ voi, chúng tôi có mặt tại bản Bình Quang, xã Châu Bình (thuộc vùng lòng hồ dự án hồ chứa nước bản Mồng) được xem là trung tâm lòng hồ và có nhiều hộ bị ảnh hưởng phải di dân. Thế nhưng, sau hơn 10 năm dự án thi công, cuộc sống người dân bị “treo” trong thế “đi không được, ở không xong”.
Một số người dân chia sẻ: "70% người dân phải chuyển ra chờ tái định cư nhưng lâu quá, phải thuê nhà ở để cho con cái đi học, còn mấy chục hộ ở trong này. Những hộ đã đền bù thì ở ngoài kia, còn những hộ chưa đền bù thì ở đây cả. 2 - 3 năm nay không thấy ai về giải thích cho dân dự án này thế nào, làm thế nào, khi nào chấm dứt?".
"Bà mong muốn sớm có đường để đi chứ ở trong này đường xá không có, điện đóm không, khổ và vất vả lắm. Các cháu đi học vất vả, tội bố mẹ. Muốn đi chợ mua cái gì ăn cũng không đi được".
"Nguyện vọng của chúng tôi chỉ mong muốn Nhà nước làm nhanh chóng để giải thoát cho dân. Dân quá khổ, có người ốm đau có khi không kịp đưa đi viện, mưa 2 ngày là bị cô lập, ăn không có ăn, học sinh không đi học được, ở thế kỷ 21 không nơi nào khổ như đây. Nhiều gia đình giờ họ không cho làm mới, sửa cũng không, sập hết, lấy bạt căng tạm nhưng không cho làm".
Được biết, hồ Bản Mồng được Chính phủ cho chủ trương đầu tư từ năm 2006, năm 2009 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Đến năm 2011, do kinh tế khó khăn, không cân đối đủ vốn nên công trình phải dừng và năm 2017 mới tiếp tục.
Từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 672 ha, kinh phí 574 tỷ đồng. Riêng địa bàn huyện Quỳ Châu đã thực hiện bồi thường cho 1.611 tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tại 11 thôn, bản thuộc xã Châu Bình và 7 thôn, bản tại xã Châu Hội bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ông Trần Bảo Linh, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu cho biết, việc giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy hoạch, vốn, tái định cư…
Ông Linh nói: "Việc quy hoạch xây dựng chưa xong, hết tiền, không có tiền không làm được. Những hộ nhận tiền rồi thì dùng tiền đó phục vụ cuộc sống, số hộ chưa nhận tiền thì chưa phải đi vì nước chưa dâng. Nhiều năm nay nằm trong vùng quy hoạch, mọi hoạt động bị ảnh hưởng, ách tắc, nhà không làm được".
Còn theo ông Vi Thế Đại, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Quỳ Châu, hiện có 2 khu tái định cư phục vụ di dân dự án hồ chứa nước bản Mồng, nhưng đang gặp nhiều vướng mắc.
"Hiện nay khu tái định cư khu 1 đã xong, tuy nhiên trong quá trình thi công bất hợp lý chưa ở được, độ dốc lớn, phải điều chỉnh lại; khu phía dưới thì phải chờ đắp đập phụ mới thi công được. Tái định cư chưa xong chưa đi được" - ông Đại chia sẻ.
Người dân tái định cư chờ tiền bồi thường, chờ được tái định cư; việc thi công các điểm tái định cư thì chờ vốn, chờ ngăn đập phụ; trong khi đó đập chính đã cơ bản hoàn thành nhưng không thể ngăn đập mà phải chờ di dân…
Ông Hồ Văn Thảo, cán bộ Ban Quản lý Dự án bản Mồng (chủ đầu tư dự án) cho biết, Dự án hồ chứa nước bản Mồng có 4 hợp phần: Phần đập chính, thủy điện, bồi thường giải phóng mặt bằng, kênh mương. Phần đập chính đã hoàn thành 97%, nhưng phải chờ giải phóng mặt bằng mới thi công tiếp được.
"Hiện nay công trình chính xong 2 năm rồi, đang đợi giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ. Tất cả ngưỡng tràn phải chờ giải phóng mặt bằng mới thi công được. Thiết kế là ngưỡng tràn 63+ nhưng mới thi công đến 55+ phải tạm dừng thi công" - ông Thảo cho biết.
Hồ chứa nước Bản Mồng có dung tích chứa là 225 triệu m3, là dự án quan trọng quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống dân sinh khu vực miền Tây Nghệ An và một phần của huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu góp phần giải quyết 1/3 nhu cầu thiếu nước của tỉnh Nghệ An và phía Nam tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, dự án nhằm cấp nước tưới cho trên 18 nghìn 870 ha cây trồng ven sông Hiếu; cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh; bổ sung nước về mùa cạn cho sông Lam, cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; đồng thời, kết hợp phát điện với công suất 45MW và phát triển du lịch. Tuy nhiên, thay vì hoàn thành theo tiến độ đề ra vào năm 2015, đến nay, công trình trọng điểm quốc gia này vẫn còn dang dở.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Phùng Thanh Vinh cho biết, dự án đã hết vốn, cần điều chỉnh tăng thêm khoảng 1.800 tỷ đồng. Khi giao vốn về cho tỉnh thì sẽ tổ chức thực hiện các bước tiếp theo.
Theo ông Vinh: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu bố trí vốn thực hiện tiếp dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, là 1.850 tỷ đồng. Vì dự án Bản Mồng được thông báo đầu tư, nhưng luật mới quy định phải có chủ trương đầu tư.
Do vậy phải điều chỉnh lại chủ đầu tư. Vậy trong 3.741 tỷ thì chúng ta đã sử dụng dùng hết rồi, tăng thêm là do trượt giá, do một số chính sách. Vừa rồi Bộ NN&PTNT đã tham mưu với Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì để điều chỉnh tổng mức đầu tư. Khi giao về cho tỉnh thì chúng tôi sẽ tổ chức thực hiện các bước tiếp theo".
Tháng 7/2022 Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có chuyến công tác, kiểm tra tiến độ dự án hồ chứa nước bản Mồng. Qua kiểm tra, Thủ tướng cho rằng, do đầu tư dàn trải nên sau hơn chục năm năm dự án chưa hoàn thành. Dự án đã triển khai quá lâu, gây lãng phí những hạng mục đã được đầu tư xây dựng.
Để dự án sớm hoàn thành trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan sớm giải quyết vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý để đưa nguồn vốn bổ sung vào thi công; đồng thời sớm trình các cơ quan chuyên môn phê duyệt giai đoạn 2 của dự án.
Bình luận