• Zalo

Đại diện Sở Văn hoá-Thể thao Hà Nội lên tiếng về quán bún chửi vô văn hoá

Thời sựThứ Sáu, 04/11/2016 14:52:00 +07:00Google News

Lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cho rằng, chính khách hàng là người tiếp tay cho những hành vi vô văn hóa của bà chủ quán "bún chửi" trên đường Ngô Sĩ Liên.

Sau khi đăng tải bài viết "Trở lại quán bún chửi lên CNN: Hơn cả vô văn hoá, bà chủ quán còn miệt thị khách đến nhục nhã", Báo điện tử VTC News đã nhận được nhiều phản hồi từ phía độc giả. Đa số các ý kiến đều cho rằng đó là hành vi vô văn hóa và cần phải lên án, loại bỏ, tẩy chay quán ăn đó.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Nếp sống văn hóa - Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội.

Video: Bà chủ quán 'bún chửi' miệt thị khách hàng đến nhục nhã

- Vừa qua, quán 'bún chửi' trên phố Ngô Sĩ Liên được kênh truyền hình CNN của Mỹ đưa tin và trở nên nổi tiếng. Nhiều người cảm thấy xấu hổ nhưng cũng không ít người lại cảm thấy tự hào. Vậy quan điểm của ông thế nào?

 
Quan điểm của tôi là không bao giờ đến những nơi như thế. Nếu không biết mà vô tình đến thì sẽ không bao giờ tôi quay lại.

Ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Nếp sống văn hoá mới, Sở VH-TT Hà Nội

Tôi chưa xem đoạn video được phát trên kênh truyền hình CNN và cũng chưa tới quán bún này ăn. Thế nhưng, tôi có đọc một số bài báo viết về bà chủ quán bún chửi và nghe những người xung quanh bàn tán về vấn đề này.

Tôi cho rằng, bún chửi nó không phải là điển hình văn hóa và không phải là tiêu biểu của văn hóa của người Hà Nội. Chửi tục mà được lên truyền hình thì đương nhiên là không thể tự hào được rồi.

Người bán hàng mà mà chửi bới, có lời nói dung tục miệt thị khách hàng là hành vi phi văn hóa nếu không muốn nói là vô văn hóa. Các quán chửi nó không phải là thương hiệu, không phải là số đông, không phải đại trà ở Hà Nội. Nếu tôi rơi vào trường hợp của người khách bị chửi đó thì chắc chắn tôi cũng rất bức xúc.

Quan điểm của tôi là không bao giờ đến những nơi như thế. Nếu không biết mà vô tình đến thì sẽ không bao giờ tôi quay lại.

- Vậy những người dù bị chửi, bị miệt thị nhưng vẫn sẵn sàng chịu nghe và quay lại ăn, có phải vì miếng ăn ngon nên người ta phải nhịn nhục?

Thứ nhất, tôi chưa đến quán ăn nên không đưa ra đánh giá nó ngon hay không. Tuy nhiên, trong cuộc sống có nhiều người họ đề cao món ăn khoái khẩu nên coi những chuyện đấy là bình thường, thậm chí họ còn cho đó là lạ. Nhiều người thấy lạ nên vẫn tới ăn nên quán sẽ ngày càng đông hơn.

Thứ hai, là do tâm lý con người. Nhiều người thích chửi bậy mà không dám chửi. Đôi khi cũng có những người muốn nghe những lời tục tằn. Có khi thấy người ta chửi bàn bên cạnh lại cười và tỏ ra thích thú.

Đôi khi mình không bị mắng nhưng đến đó để nghe xem bà ấy có câu chửi gì mới không. Có những người đến cố tình chọc cho bà ấy chửi, để nghe những lời tục tằn như vậy. Đấy là sự hiếu kì và dần dần mình sẽ quen với việc bà ấy chửi bới, miệt thị khách hàng.

 
Theo quan điểm của tôi thì chính khách là người làm hư bà ấy. Không ăn nữa là xong. Tại sao cứ đến để ăn để nghe bà ấy chửi?

Ông Ngô Văn Nam

Thứ ba, những người đến nhiều sẽ dần dần miễn dịch đối với chuyện bị chửi bới. Nếu miễn dịch với những lời nói ấy, lần sau dù có nghe nặng lời hơn mình vẫn thấy nó là bình thường.

Theo quan điểm của tôi thì chính khách là người làm hư bà ấy. Không ăn nữa là xong. Tại sao cứ đến ăn để nghe bà ấy chửi? Đấy là những người hiếu kì, coi đó như là một cái mốt. Đi ăn cũng a dua và cố tình tiếp tay cho những hành vi phi văn hóa.

- Có ý kiến cho rằng cần có hình thức xử lý đối với bà chủ quán bún chửi trên đường Ngô Sĩ Liên?

Về xử lý những trường hợp chửi bậy thì chúng ta không có chế tài. Chúng ta mới chỉ có chế tài xử lý người gây rối trật tự công cộng. Với những trường hợp này xử lý chỉ bằng cách tuyên truyền.

Tuyên truyền cho chủ nhà hàng thay đổi vì thái độ, hành vi với khách. Tuyên truyền cho cả người mua không nên đến tiếp tay cho hành vi của bà chủ.

- Vậy phải làm sao để những "bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm" này không còn tồn tại ở Thủ đô?

Về phía chính quyền địa phương như phường, tổ dân phố cũng cần phải nhắc nhở bà chủ quán bún này. Những người đến ăn thì cần có thái độ phản ứng và kiên quyết không đồng tình với việc chửi bậy.

Không nên đến ủng hộ để xây dựng "bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm" thành một thương hiệu. Vì vẫn có người đến mua nên mới nhân rộng ra các quán tương tự.

Về phía Sở Văn hóa Hà Nội, chúng tôi đang chuẩn bị ban hành bộ quy tắc ứng xử ở nơi công cộng. Bộ quy tắc ứng xử có rất nhiều nội dung, trong đó có định hướng các hành vi ở nơi công cộng, kể cả về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vì đây chỉ là bộ quy tắc nên chỉ có tính định hướng nhằm đến cả hai đối tượng là người bán và người ăn.

Các cơ quan báo chí phải có những thái độ kiên quyết phản bác vấn đề này. Tuyên truyền và có thái độ lên án về hành vi phi văn hóa. Phê phán những người đến ăn là những người đang cổ vũ cho thói phi văn hóa.

- Xin cảm ơn ông!

Video: Tâm sự 'ruột gan' của bà chủ quán 'bún chửi' trên phố Ngô Sĩ Liên

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn