Brazil vượt mốc 400.000 ca nhiễm COVID-19
Với 19.461 ca nhiễm mới trong hôm qua, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Brazil lên tới 411.821. Brazil trở thành nước thứ hai trên thế giới có hơn 400.000 ca nhiễm COVID-19 (sau Mỹ), với 25.598 người chết.
Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil từng gọi COVID-19 chỉ là loại "cúm nhẹ" và không xem trọng mức độ nguy hiểm của đại dịch. Sự chủ quan của chính quyền ông Bolsonaro đã đẩy Brazil vào thảm cảnh với tốc độ lây nhiễm COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.
Hơn 25.000 người Brazil đã chết do COVID-19, con số có thể tăng gấp 5 lần vào tháng 8 tới. Các bệnh viện, nhà tang lễ đều đã hết chỗ chứa.
"Các bạn muốn tôi làm gì? Tôi đâu phải người tạo ra phép màu", ông Bolsonaro hỏi ngược lại các phóng viên vào tháng trước. Theo CNBC, việc không kiểm soát được đại dịch có thể khiến chính quyền Bolsonaro sụp đổ, khi thảm kịch hôm nay là kết quả của một chuỗi phản ứng sai lầm của Tổng thống.
Hiện tại, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao nhất thế giới trong hơn 2 tháng qua. Quốc gia này ghi nhận thêm 20.420 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.745.677 người, với 102.095 người chết. Tốc độ lây nhiễm COVID-19 tại Mỹ được duy trì ở mức 20.000 người/ngày, chưa có dấu hiệu giảm dù số ca thiệt mạng đã giảm.
Ở châu Âu, Nga ghi nhận 8.338 ca nhiễm mới và 161 người chết. Tây Ban nha có số người thiệt mạng do SARS-CoV-2 giảm kỷ lục với chỉ 1 trường hợp trong ngày, thấp nhất từ khi đại dịch bùng phát. Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức tiếp tục có số ca nhiễm mới ở mức 3 chữ số.
Với 7.293 ca nhiễm mới, Ấn Độ sắp vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt các nước châu Âu về mức độ thiệt hại về người do COVID-19. Trung Quốc, nơi bùng phát COVID-19, chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc SARS-CoV-2 mới.
Anh có thể trở lại bình thường vào tháng 8
"Nước Anh có thể trở lại bình thường vào tháng 8", cựu giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới Karol Sikora tuyên bố, sau khi dự đoán chính xác rằng việc phong tỏa sẽ được nới lỏng vào giữa tháng 5.
Theo ông Sikora, người đã có được tin tưởng lớn sau cuộc khủng hoảng COVID-19, cũng tin rằng cuộc chiến chống COVID-19 có thể ngã ngũ sớm hơn khi tình hình có thể cải thiện nhanh chóng vào mùa hè.
"Tháng 3, 4 tồi tệ, tháng 5 sẽ tốt hơn và trong tháng 6, mọi thứ có thể cải thiện". Tuy nhiên, ông nói thêm: "chúng ta nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất nhưng hy vọng điều tốt nhất".
Giáo sư Sikora, người có bằng tiến sĩ về miễn dịch học, đã trở thành ngọn hải đăng hy vọng cho hàng nghìn người sau những bình luận, nhận định của ông trong cuộc chiến với dịch bệnh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa tuyên bố nới lỏng phong tỏa lần đầu tiên vào ngày 10/5. Quyết định nói trên phụ thuộc vào chương trình truy vết COVID-19 sẽ ra mắt vào ngày mai (29/5).
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock thừa nhận chính quyền sẽ phụ thuộc vào những người thực hiện 'nghĩa vụ công dân' và tự nguyện cách ly để đạt được thành công.
Bình luận