Châu Âu vượt mốc 1 triệu ca nhiễm
Số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở châu Âu vượt mốc 1 triệu người và gần 100.000 người thiệt mạng. Con số này được xác nhận bởi Trung tâm kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC).
Tây Ban Nha vẫn đứng đầu châu Âu và thứ 2 thế giới về số ca nhiễm (gần 200.000 trường hợp). Tuy nhiên, số người chết ở nước này trong ngày hôm qua (19/4) xuống thấp nhất kể từ 22/3 và con số 410 người thiệt mạng cũng thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm ngày 2/4 (với 910 ca).
Nước có nhiều người chết vì COVID-19 nhất châu Âu là Italy (hơn 23.600 người).
Ba nước có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới trong ngày 19/4 lần lượt là Mỹ (hơn 24.000), Nga (6.060) và Anh (5.850)
G20 thừa nhận hệ thống y tế yếu đuối
Bộ trưởng Bộ Y tế các nước G20 họp trực tuyến hôm qua (19/4), bàn về điểm yếu của hệ thống y tế. Trong cuộc thảo luận, đại diện các nước đã trao đổi những kinh nghiệm phòng chống dịch và đánh giá lại năng lực của hệ thống y tế khi đối phó đại dịch.
"Các Bộ trưởng nhận ra rằng, đại dịch COVID-19 chỉ ra những điểm yếu có tính chất hệ thống trong lĩnh vực y tế. Nó cũng chỉ ra sự yếu kém trong năng lực phòng chống nguy cơ đại dịch của toàn thế giới", thông báo chung của hội nghị nêu rõ.
Chưa xác định khả năng miễn dịch, tái nhiễm nCoV
Theo CBS, các chuyên gia hàng đầu của Mỹ vẫn chưa xác định được liệu bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi có miễn dịch trước SARS-CoV-2 hay không.
"Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành dựa trên huyết tương và thử nghiệm tiêm huyết tương vào bệnh nhân để xem kháng thể có tạo ra miễn dịch hay không", Tiến sĩ Deborah Birx cho biết.
Trước câu hỏi về việc liệu những trường hợp khỏi bệnh nhưng có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại có thể xảy ra ở Mỹ hay không, Tiến sĩ Birx thừa nhận đây là vấn đề đang được các nhà khoa học tìm cách giải đáp.
Chuyên gia hàng đầu thuộc đội đặc nhiệm chống COVID-19 của Mỹ cho biết dù hệ miễn dịch có thể được hình thành sau khi đánh bại được virus nhưng "chưa thể xác định được trạng thái đề kháng này tồn tại trong bao lâu, 6 tháng hay 6 năm".
Bình luận