• Zalo

Đại dịch Covid-19: Bàn về kinh tế chia sẻ

Thị trườngThứ Tư, 25/03/2020 11:58:23 +07:00Google News
(VTC News) -

Chia sẻ đúng mức trong khó khăn thời kỳ đại dịch Covid-19 chính là tạo dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin với mỗi doanh nghiệp.

Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam tới nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nhiều công sức, tiền bạc và nhân lực đã được tập trung cho công tác phòng chống dịch, để bảo vệ sức khỏe công đồng, đảm bảo sự phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.

Giữa “bóng ma” Covid-19, xuất hiện nhiều tấm gương sáng để chúng ta học tập, sửa mình. Đó là tấm gương hy sinh vì nhiệm vụ, bất chấp mọi nguy hiểm của lực lượng y tế. Họ đã gác lại chuyện phải mạo hiểm tính mạng, xa cách người thân để chữa trị cho cộng đồng. Đó là các chiến sĩ quân đội, công an quên mình trong cuộc chiến chống Covid-19, đảm bảo an ninh để khoanh vùng dịch bệnh. Đó là các mạnh thường quân không tiếc tiền của, hỗ trợ cho nguồn quỹ chống dịch bệnh của đất nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19” của Chính phủ, mặt trận Tổ quốc các cấp, biết bao lượt cá nhân, tổ chức đã tham gia, quyên góp hàng chục tỷ đồng. Trong số đó, không thiếu vắng các doanh nghiệp, những tổ chức cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 nhưng vẫn không quên sẻ chia khó khăn cùng cộng đồng.

Từ những tấm gương này, những hình ảnh không đẹp, thiếu nhân văn từng xảy ra cần phải được nhìn lại để tự sửa mình. Còn nhớ, nhân lúc có dịch, hàng loạt cửa hàng thuốc và dụng cụ y tế đua nhau bán khẩu trang tăng giá so với quy định, hay liên kết treo biển hết hàng, sản xuất và bán hàng rởm cho xã hội.

Rồi trong khi nhiều tổ chức cá nhân kinh doanh thương mại, bán hàng không lợi nhuận, sản xuất và phát miễn phí hàng hóa chống dịch cho mọi người, thì vẫn còn những tổ chức sản xuất kinh doanh thiếu chia sẻ, mà điển hình là mặt hàng thịt lợn. Suốt từ Tết Âm lịch đến nay, giá mặt hàng này liên tục tăng cao chót vót và chỉ giảm giá nhỏ giọt khi có ý kiến của Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có doanh nghiệp giảm thời gian ngắn sau đó lại tăng giá lại.

Đại dịch Covid-19: Bàn về kinh tế chia sẻ - 1

Giá thịt lợn vẫn đang "làm khó" người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Từ trang trại chăn nuôi của các tập đoàn lớn, giá lợn hơi cho đến khâu bán lẻ đã tăng từ 45 - 60%, với mức lãi 2.000.000 – 3.000.000 đồng/con. Đây là một mức lợi nhuận vô lý, không thể chấp nhận được. Nguyên nhân có thể đoán ra được: một số trang trại chăn nuôi lớn có vị thế áp đảo có hiện tượng ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá. Việc làm này tạo thêm những chi phí trung gian góp phần đẩy giá lên ở thị trường bán lẻ.

Cần phải nhắc lại rằng trong thời kỳ giá lợn sa sút, xuống 22.000 – 25.000 đồng/kg hơi thì ngành chăn nuôi lại kêu gọi người tiêu dùng giải cứu. Ngày nay, giá lợn hơi đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi một cách vô lý thì họ có giải cứu người tiêu dùng hay không?

Ở khâu bán lẻ thì sao? Cho đến nay chưa có thống kê cụ thể của các cơ quan kiểm toán về lợi nhuận nộp ngân sách chênh lệch giá mua và giá bán của các khâu chăn nuôi và khâu bán lẻ. Điều này cũng phải làm rõ và công khai trước người tiêu dùng. Mua bán trên thị trường là một sự thỏa thuận giữa 2 bên nhưng những hành động vô cảm trong khó khăn chung của mọi người để hưởng lợi nhuận quá mức, nhất là khi Chính phủ đã kêu gọi phải liên kết, phải có sự chia sẻ, kể cả chia sẻ lợi nhuận, thì những hành vi thiếu trách nhiệm cộng đồng này cần bị lên án và phải có những giải pháp mạnh để giải quyết dứt điểm.

Công cuộc chống dịch Covid-19 chưa có hồi kết. Nó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và toàn thể các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh ở thị trường nội địa phải chung sức, chung lòng, phải chia sẻ trước những khó khăn chung của xã hội. Những chia sẻ đúng mức trong lúc khó khăn nhất chính là tạo dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin với mỗi doanh nghiệp.

Ngược lại, nếu tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nào không biết chia sẻ thì sẽ tự đánh mất mình trong việc xây dựng thương hiệu và có thể bị xã hội phê phán mạnh mẽ. Kinh tế chia sẻ là một phạm trù đạo đức trong các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời đại hiện nay và còn mãi về sau.

Vũ Vinh Phú(Chuyên gia kinh tế)
Bình luận