100.000 nhân viên mắc kẹt trên biển
Ít nhất 100.000 nhân viên, thủy thủ trên các tàu du lịch mắc kẹt trên biển 2 tháng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhiều người không được trả tiền lương vì không còn làm việc chính thức và luật lao động Mỹ không áp dụng với các công ty và tàu đăng ký ở nước ngoài.
Sau nhiều ca nhiễm được ghi nhận, các công ty tàu du lịch đã quyết định đóng cửa từ 13/3.
Đa số các du khách đã được lên bờ từ đầu tháng 4, nhưng các nhân viên và thủy thủ đoàn chưa thể rời đi trong bối cảnh các tàu vẫn đang chờ để được cho phép trở về quê nhà.
"Hầu hết các thành viên thủy thủ đoàn không biết đến bao giờ chính phủ mới cho phép họ cập cảng để về nhà",Miami Herald cho hay.
Tính tới nay có tới 578 thủy thủ trên các tàu du lịch khác nhau mắc COVID-19 và ít nhất 7 người thiệt mạng.
2 thành viên thủy thủ đoàn của 2 tàu khác nhau do quá tuyệt vọng đã nhảy tàu tử tự. Nhiều người khác tuyệt thực.
"Ở đây chẳng khác nào nhà tù", Gan Ganarararum, 38 tuổi, thủy thủ mắc kẹt trên tàu Sky Princess của công ty Carnival Corp chia sẻ.
Hầu hết các công ty du lịch đổ lỗi cho các quy tắc và quy định của chính phủ khiến họ không thể đưa các thành viên lên bờ và trở về quê nhà.
“Mục đích của chúng tôi là hồi hương các thành viên thủy thủ đoàn càng sớm càng tốt. Nhưng mọi thứ trở nên quá khó trong những tuần gần đây bởi vì các cảng đóng cửa, các quốc gia cũng đóng cửa và việc đi lại toàn cầu bị hạn chế,” phát ngôn viên của hãng Carnival Corp Roger Frizzell cho hay.
Theo Mitch Rockford Weitz, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Hàng hải tại Trường Fletcher của Đại học Tufts, các công ty du lịch phải chứng minh có khả năng giải quyết trong trường hợp khẩn cấp để đưa mọi người rời khỏi tàu và trở về nhà.
"Họ phải có khả năng thuyết phục khách hàng của mình rằng họ có thể tìm giải pháp và làm việc mang tính xây dựng với các cơ quan y tế công cộng", ông này cho hay.
WHO tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến chống COVID-19
Bất chấp lá thư cảnh báo cắt tài trợ vĩnh viễn cho WHO nếu tổ chức này không cam kết cải cách căn bản trong 30 ngày tới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẩng định tổ chức Tổ chức Y tế thế giới vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo chiến lược nhằm phối hợp các biện pháp đối phó toàn cầu đối với đại dịch”, ông Tedros nhấn mạnh trong cuộc họp Đại hội đồng trực tuyến với sự tham gia 194 thành viên của WHO hôm 19/5.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO không đề cập tới bức thư mà Tổng thống Trump gửi tới mình trước đó.
Liên quan tới cảnh báo mới nhất của Tổng thống Trump với WHO, Nga mới đây đã lên tiếng chỉ trích.
“Có nhiều cách để cải cách tổ chức này, nhưng chúng tôi phản đối việc phá hỏng mọi thứ vì lợi ích chính trị hay địa chính trị của một nước", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi các chính trị gia Mỹ ngừng đổ lỗi cho các nước khác và hợp tác với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đánh bại đại dịch.
Ông Triệu khẳng định việc nộp phí cho WHO là trách nhiệm và nghĩa vụ mà Mỹ nên làm chứ không phải việc để Washington mặc cả.
Bình luận