Đầu tuần tới, 538 đại cử tri Mỹ sẽ lập thành đại cử tri đoàn, tập hợp tại thủ phủ các bang, tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp và bỏ phiếu bầu Tổng thống.
Đây là bước đi chính thức cuối cùng để đưa ông Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ và chấm dứt nỗ lực đảo ngược kết quả kéo dài dai dẳng của ông Trump hơn một tháng qua.
538 đại cử tri này sẽ đánh dấu vào những mảnh giấy nhỏ và thả vào các thùng phiếu. Sau khi được kiểm, các phiếu bầu cử mỗi bang sẽ được chuyển tới Thượng viện. Tới ngày 6/1, Quốc hội Mỹ sẽ kiểm đếm kết quả và tuyên bố người chiến thắng sẽ nhậm chức hai tuần sau đó.
Theo dự đoán của truyền thông Mỹ, nếu dựa trên kết quả bỏ phiếu phổ thông, ông Biden sẽ nhận được 306 phiếu đại cử tri, nhiều hơn đáng kể so với ngưỡng cần thiết là 270 phiếu. Trong khi ông Trump chỉ nhận được 232 phiếu đại cử tri.
Tại 33 bang và thủ đô Washington, luật bầu cử các bang này yêu cầu các đại cử tri phải bỏ phiếu ủng hộ ứng viên nhận được đa số phiếu bầu. Điều này đồng nghĩa ứng viên nào thắng phiếu phổ thông sẽ giành được toàn bộ phiếu đại cử tri tại bang đó.
Thậm chí, để đảm bảo luật này được thực hiện, một số bang còn phạt tiền và thay thế các đại cử tri không bầu cho ứng viên giành chiến thắng.
Tuy nhiên, trong số các bang này, chỉ 14 bang (chiếm 121 phiếu đại cử tri) áp dụng quy định hủy lá phiếu của một đại cử tri "bất trung". Đồng nghĩa 417 đại cử tri vẫn có thể bỏ phiếu trái với cam kết ban đầu mà giới chức bang không làm được gì nhiều.
Theo FairVote, hiện 17 bang Mỹ không áp dụng luật yêu cầu các đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng viên được đa số người dân bầu. Theo đó, các đại cử tri không nhất thiết phải bầu Tổng thống theo kết quả cuộc bầu cử hôm 3/11. Ông Biden giành được chiến thắng ở bảy trong tổng số các bang này. Bảy bang trên chiếm tổng cộng 107 phiếu đại cử tri.
Vào ngày 14/12 tới, nếu trên 38 đại cử tri "nổi dậy" và bỏ phiếu cho ông Trump, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ giành được trên 270 phiếu bầu và thành công ở lại nhiệm sở.
Cũng theo thống kê của FairVote, lịch sử Mỹ hiện ghi nhận khoảng 160 đại cử tri bất trung. Năm 2016 xác lập kỷ lục là năm có số đại cử tri bất trung nhiều nhất lịch sử Mỹ. Theo đó, 10 đại cử tri Mỹ đã phá lệ, bỏ phiếu đi ngược lại định hướng của bang mình.
Các chuyên gia cho biết dù thực tế đại cử tri bất trung vẫn tồn tại ở nhiều mùa bầu cử, nhưng chưa bao giờ kết quả bỏ phiếu đại cử tri lật ngược được kết quả bỏ phiếu phổ thông.
“Tóm lại, không có cơ hội thực tế nào để Trump có thể lật ngược tình thể bằng cách thay đổi suy nghĩ của các đại cử tri trong đại cử tri đoàn", Tom Goldstein - một luật sư nổi tiếng ở Mỹ cho hay.
Ngoài ra, bản thân các đại cử tri cũng sẽ phải chịu sức ép từ người dân. Họ lo ngại uy tín của bản thân sẽ sụt giảm nếu đi ngược lại ý nguyện của đại đa số người dân bang mình.
Nhiều ngày gần đây, truyền thông Mỹ liên tục loan tin ông Trump gọi điện tới các nhà lập pháp các bang hoặc triệu tập họ tới Nhà Trắng trong nỗ lực thay đổi quy tắc bổ nhiệm các đại cử tri. Nhưng các nỗ lực này hầu hết đều thất bại.
Còn một kịch bản khác có thể xảy ra trên lý thuyết là nhiều đại cử tri để phiếu trống khiến cả hai ứng viên không có đủ 270 phiếu đại cử tri. Nếu điều này diễn ra, Hạ viện sẽ bầu ra tổng thống trong số ba ứng cử viên có nhiều phiếu đại cử tri nhất.
Nếu Hạ viện chưa thể bầu ra tổng thống cho đến 20/1, phó tổng thống vừa đắc cử sẽ đảm đương chức vụ quyền tổng thống cho đến khi vấn đề được giải quyết tại Hạ viện. Tuy nhiên, kịch bản này thậm chí còn khó xảy ra hơn.
Bình luận