• Zalo

Đại ca giang hồ mặt sẹo và kiểu hỏi vợ kỳ quái

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 24/12/2012 10:09:00 +07:00Google News

Anh ấy nói thế rồi kê bàn tay trái lên cái cột gỗ của nhà em và phang một nhát, đứt bay ngón tay út, máu tươi chảy ròng ròng.

"Anh ấy nói thế rồi kê bàn tay trái lên cái cột gỗ của nhà em và phang một nhát, đứt bay ngón tay út, máu tươi chảy ròng ròng".


Như Tám Sẹo đã nói với tôi từ lần gặp đầu tiên: "Mặt sẹo kiếm tiền theo kiểu mặt sẹo, mặt lành kiếm tiền theo kiểu mặt lành". Hơn nửa năm làm vệ sĩ, Tám Sẹo cũng có đồng ra đồng vào, đủ để bao bọn để tử ngày 2 bữa rượu.

Tuy nhiên Tám cũng không ít lần phải đổ máu, may mà còn giữ được tính mạng. Mấy lần suýt chết khiến Tám Sẹo phải nghĩ tới một cách kiếm sống khác, ấy là đi đòi nợ thuê.

Nghề này giúp Tám Sẹo tạo lập được chỗ đứng nhất định trong xã hội. Phi vụ đầu tiên ở phố Hàng Ngang đã cho Tám Sẹo một món tiền mà có nằm mơ cũng chả ai nghĩ tới.

Theo đó thì năm 1955, một ông cụ ở làng Nghi Tàm (Hà Nội) có cho một người bạn ở nhờ một căn nhà 2 tầng diện tích 196m2 ở phố Hàng Ngang. Bây giờ, 3 người con trai của cụ đã có vợ và cần có chỗ ở riêng. Cụ đòi lại ngôi nhà ở phố Hàng Ngang nhưng ông bạn kia quyết không trả.

Cụ mua một mảnh đất ở quận Hoàng Mai, xây lên một căn nhà cấp 4, mời bạn mình về ở để lấy lại ngôi nhà ở Hàng Ngang nhưng nhà kia vẫn nhất định không đi. Cụ mang sổ đỏ ra trình tòa và làm đơn kiện. Tất nhiên, phần thắng thuộc về cụ.

Nhưng hàng chục năm trời cơ quan thi hành án không cưỡng chế gia đình kia để lấy lại nhà cho cụ. Thế là mất một đống tiền mà vẫn không đòi được nhà. Con trai ông cụ ở Nghi Tàm đành phải nhờ Tám Sẹo đòi hộ.

Tám kể về phi vụ đòi ngôi nhà đó như sau: "Em vác cái mặt đầy sẹo, đi thẳng vào nhà ông kia. Ông ta hỏi: "Anh là ai mà xông thẳng vào nhà tôi như thế?". Em nói: "Đây không phải là nhà ông mà là nhà bác tôi ở trên Nghi Tàm. Ngày xưa, khi ông khó khăn thì bác tôi giúp đỡ. Ông ở nhờ nhà bác tôi năm 1955, giờ đã hơn 40 năm rồi, cái nhà này đã làm ra cả núi tiền.

Vậy mà khi bác tôi cần nhà cho các anh tôi ra ở riêng thì ông lại không chịu trả. Loại người ăn cả c… như ông tôi giết lúc nào chết lúc ấy. Nhưng tôi để ông sống 2 tuần nữa để ngẫm nghĩ về lẽ phải trái ở đời. Hai tuần sau tôi lại đến. Nếu ông không chuyển khỏi ngôi nhà này thì ở đây sẽ ngập ngụa máu tươi.

Lương y Võ Hoàng Yên đã cảm hóa Tám Sẹo 
Nhìn mặt em, nghe lời em nói, tất nhiên là ông ta phải trả nhà cho ông cụ ở Nghi Tàm và chuyển về căn nhà cho không ở quận Hoàng Mai. Với thương vụ này, em cũng xúc được một mớ kha khá. Đó là món tiền tỷ đầu tiên trong đời em.

Nghề trộm cướp phải là hải tặc như bọn Xômali hoặc băng đảng hùng hậu như Năm Cam mới có tiền tỷ. Còn em vốn là thằng cướp vặt, giật giây chuyền, điện thoại, túi sách của đàn bà thì đủ vả vào mồm là may chứ làm sao có tiền tỷ.

Nhưng đòi được căn nhà ở Hàng Ngang em đã có 5 tỷ đồng. Đêm nằm, nhìn đống tiền lù lù trong nhà, em nghĩ như mình đang mơ. Nhưng, đó vẫn chưa phải là món tiền lớn nhất được đẻ ra từ cái mặt đầy sẹo của em. Em trúng đậm vì một vụ khác.

Ba ông cán bộ Ngân hàng mua 10 sào đất ở Mỹ Đình. Dạo đó khu Mỹ Đình chưa được quy hoạch là khu đô thị. Nói đúng hơn là có quy hoạch rồi nhưng chỉ mấy ông quan chức biết với nhau thôi. Các ông kia rút ruột Ngân hàng để mua đất tất nhiên là không dám giơ mặt ra mà phải nhờ em mua hộ.

Vả lại, cũng phải chính thằng mặt sẹo này đứng ra mua mười sào ruộng mới đảm bảo không bị lật lọng. Nhìn cái mặt em người ta đã sợ hết vía rồi thì còn ai giám lật lọng nữa.

Taxi tải chở về nhà em cả một đống tiền. Mấy thằng đệ bàn rằng: "Tốt nhất đại ca cứ cướp hết số tiền kia đi. Chúng không dám kiện đâu, vì nếu kiện thì chúng nó mất chức hoặc vào tù ngay". May mà em không tham quá hóa ngu như thế.

Giờ là thời buổi mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Những thằng nhiều tiền là những thằng rất mạnh. Nó có thể thuê người bắn chết em bất cứ lúc nào. Vì thế mà em đã phục vụ 3 ông cán bộ Ngân hàng kia khá chu đáo, giấy tờ đầy đủ, sổ đỏ nghiêm chỉnh.

Nhưng 3 ông kia cũng thuộc loại biết điều. Em được chia 2 sào trong 10 sào đất ấy. Sau này đất Mỹ Đình lên giá ầm ầm, 18 - 20 triệu/ 1m2. Thế là em có cả một đống tiền. Anh Khánh thấy cái mặt sẹo của em có được không? Vác cái mặt sẹo đi kiếm tiền cũng ra vấn đề đấy chứ. Từ một thằng tù, em trở thành tỷ phú.

Đã giàu rồi, có nhà cao cửa rộng rồi thì phải tính chuyện xây dựng gia đình. Và em lại vác cái mặt sẹo đi hỏi vợ”.

Về chuyện này, Hải (vợ Tám) kể: "Trước đây em làm ở quán bia hơi của chị Sửu ở phố Lò Đúc. Đó là nhà hàng to nhất nhì Hà Nội. Mỗi ngày chị Sửu bán khoảng 70 bom bia hơi, loại bom quả hồng bằng gang chứ không phải là bom nhôm như bây giờ.

Đi cùng với 70 bom bia đó là các món ăn, là tiền chảy vào két chị Sửu như nước. Về sau vì anh chồng mải cờ bạc mà chị Sửu phá sản. Nhưng khi em làm ở đó thì chị Sửu đang trong thời kỳ thịnh vượng nhất.

Một hôm có một người mặt mũi rất gớm ghiếc đến đặt bàn ở nhà hàng chúng em. Anh ta bao luôn cả nhà hàng, mặc dù khách anh ta chỉ 2 chục người thôi. Người ấy chính là chồng em bây giờ. Không ai được phép đóng cửa nhà hàng để ăn độc quyền như thế nhưng anh Tám nhà em thì được.

Bữa ăn đó hết gần 5 triệu đồng. Anh Tám đưa cả 5 triệu đồng và nói: "Vẫn còn thiếu". Em nhắc anh ấy rằng: "Thừa rồi, chỉ 4 triệu tám thôi". Anh ấy nói: "Vẫn còn thiếu một trăm nghìn nữa, vì bọn em phục vụ có 3 đứa cơ mà". Nghĩa là chúng em được bo mỗi đứa 100 nghìn đồng.

Ngày đó 100 nghìn là to lắm. Khi bọn họ ra về, chỉ mình em ra tiễn khách. Anh Tám hỏi: "Em thấy anh như thế nào?". "Em thấy anh là người rất ga lăng, rất đàn ông". "Có thích không?". "Em thích". "Nếu em thích thì trưa mai anh sẽ lại".

Em sợ hết hồn. Khách hỏi thì em nói một câu xã giao thế thôi chứ con gái nhà lành như em thì làm sao có thể gắn bó với dân đao búa. Em mong rằng anh ấy quên câu nói hôm qua đi. Nhưng anh ấy không quên. Trưa hôm sau anh ấy đến một mình và gọi em phục vụ.

Một người phục vụ một người thì có việc gì làm đâu nhưng anh ấy muốn nói chuyện với em. Chuyện của anh ấy nghe chết khiếp, bé thì trộm cắp, lớn lên thì đi cướp, rồi ngồi tù, rồi nhận mức án tử hình. Nhưng quả thật chưa ai dám khoe thành tích bất hảo như anh ấy.

Vì thế mà em vừa quý lại vừa phục anh ấy. Vả lại, lúc đó em cũng đói tiền, rất cần một món tiền để giúp mẹ chữa bệnh mà anh ấy thì sẵn tiền. Khi anh ấy nói rằng anh ấy rất cần em và muốn lấy em làm vợ thì em im lặng. Nhưng tối hôm đó em đã gọi điện cho anh ấy và nói đồng ý”.

Đưa ánh mắt đầy hạnh phúc nhìn chồng, Hải tiếp tục câu chuyện của mình: “Em đồng ý nhưng khi đưa anh ấy về nhà thì mẹ em dứt khoát từ chối. Bà vào trong buồng, khóa cửa lại, không ra tiếp khách. Mấy lần anh Tám gọi: "Bác ạ! Con muốn mời bác ra cho con thưa một câu chuyện". Nhưng mẹ em không ra, chỉ ghé mặt nhìn qua khe cửa.

Ngồi năn nhỉ hàng giờ liền mà mẹ em vẫn không chuyển ý, cuối cùng anh ấy xuống bếp lấy một con dao, ngồi mài thật lâu. Nghe tiếng lưỡi dao trượt trên mặt đá, em biết là con dao đã sắc lắm rồi. Anh ấy cầm con dao vào và nói rất dõng dạc: "Nếu bác không cho con thưa chuyện thì con sẽ đâm con dao này vào ngực và chết ngay ở đây. Bác không tin thì hãy nhìn đây!".

Anh ấy nói thế rồi kê bàn tay trái lên cái cột gỗ của nhà em và phang một nhát, đứt bay ngón tay út, máu tươi chảy ròng ròng. Thế là mẹ em phải chạy ra để nghe anh ấy thưa chuyện. Thì cũng là chuyện muốn hỏi em làm vợ thôi. Mẹ em nói rằng: "Không có người mẹ nào muốn gả con gái cho hổ báo. Anh là hổ báo và hổ muốn bắt ai thì khó trốn được. Thôi cái số con gái tôi nó đã khổ từ bé rồi, bây giờ tất cả phó mặc cho anh.

Thế là em thành vợ anh Tám. Đám cưới cũng tổ chức ở nhà hàng bia Sửu. Chị Sửu mừng cưới em một sợi dây chuyền 10 chỉ. Sau này, khi anh Sửu thua bạc và phá sản, nhà em đã mang 10 cây vàng đến để trả nghĩa chị Sửu. Nhà em tuy thế nhưng rất biết ăn ở, biết có trước có sau, nói được làm được và không bao giờ quyên ơn người khác".

Còn tiếp…

TheoBáo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận
vtcnews.vn