Chia sẻ trong buổi thảo luận tổ về Luật Lao động sửa đổi chiều 29/5, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết: "thế giới có ngày dành cho nam giới, mỗi Việt Nam không quy định. Tôi đề nghị Việt Nam có ngày đàn ông hay ngày của cha. Thế giới làm lâu rồi mà mình chưa có. Đây là điều mà tôi ấp ủ từ năm 2008".
Cũng trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng số ngày nghỉ của Việt Nam đang rất ít so với các nước còn lại trên thế giới. Nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ.
Chia sẻ thêm với các đại biểu, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết đây là ngày để tưởng nhớ những người có công với đất nước. Mặt khác, số ngày nghỉ lễ ở Việt Nam còn đang thấp hơn so với nhiều nước. Khoảng thời gian từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 đến 2/9 tương đối dài nên bộ này chọn ngày 27/7.
Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng đề xuất Ngày Tri ân là rất hay vì đó là ngày cả xã hội tri ân các hy sinh, đóng góp cho đất nước.
Trong khi đó, nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề rằng lấy lí do tri ân để chọn ngày 27/7 làm ngày nghỉ lễ là không hợp lý, bởi tri ân là việc thường xuyên, không phải tới 27/7 mới làm.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng không nên lấy lý do ít ngày nghỉ để nghĩ ra thêm một ngày để nghỉ.
"Phải lấy ý nghĩa của ngày 27/7 làm lý do chứ không phải là cần thêm ngày nghỉ để chọn một ngày nào đấy", bà Mai nói.
Cũng trong buổi thảo luận, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đặt vấn đề về việc Ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng vương chưa hoàn toàn đúng ý nghĩa của ngày này bởi nhiều người chỉ biết tới tên gọi "Giỗ tổ" mà không biết ý nghĩa của ngày này là để tưởng nhớ tổ tiên.
"Đến ngày Giỗ tổ, tôi hỏi người lớn thì biết, còn sinh viên đến chùa tôi không hề biết ý nghĩa của ngày này", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết.
Sáng 29/5, bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội vừa có báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Về bổ sung một ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ, loại ý kiến thứ nhất ủng hộ việc bổ sung thêm một ngày nghỉ trong khoảng thời gian từ 2/5 đến 1/9 và đề nghị lấy Ngày Gia đình Việt Nam (28/6 dương lịch) làm ngày nghỉ lễ.
Loại ý kiến thứ hai tán thành đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ với các lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Loại ý kiến thứ ba, đề nghị cân nhắc việc bổ sung một ngày nghỉ lễ vì chưa có đánh giá tác động chính sách.
Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này.
Về thời gian nghỉ Tết âm lịch (Điều 113) và thời gian làm việc của cơ quan hành chính (Khoản 4 Điều 106), Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội thấy rằng, các vấn đề này đang được thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc trên thực tiễn, do đó, đề nghị kế thừa quy định hiện hành.
Bình luận