Theo đó, các đại biểu cho rằng khi Nghị định 132/2020/NĐ-CP được sửa đổi phù hợp sẽ giúp nhiều chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp được nhìn nhận đúng, phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn kinh tế khó khăn, biến động hiện nay.
Sau 4 năm áp dụng quy định này, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết gặp rất nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp không dám vay vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp đều mong việc sửa đổi Nghị định 132 "đúng" và "trúng", để gỡ khó cho doanh nghiệp thay vì gây thêm rào cản.
Nhận xét về dự thảo sửa đổi Nghị định 132 đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, Đại biểu Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, cho rằng tuy đáng hoan nghênh nhưng vẫn cần điều chỉnh hợp lý hơn.
Ông Đồng phân tích: Nghị định 132 quy định các bên liên kết bao gồm cả trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay nếu khoản vay từ 25% vốn góp và trên 50% nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào trường hợp này do tỷ trọng vốn vay ngân hàng trung và dài hạn cao. Khi đó, các doanh nghiệp này và ngân hàng được coi là các bên liên kết và phải áp dụng Nghị định 132.
Nghị định cũng quy định chi phí lãi vay của các bên liên kết không được vượt quá 30% EBITDA (chỉ số phản ánh thu nhập trước khi trừ đi các khoản chi phí lãi vay, thuế và khấu hao) của doanh nghiệp. Điều này áp mức cố định 30% mà không cho phép doanh nghiệp được chứng minh chi phí này theo nguyên tắc giao dịch độc lập như với các loại giao dịch khác.
Như vậy, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp có chi phí lãi vay hoàn toàn bình thường so với mặt bằng chung của thị trường và các bên không hề có dấu hiệu đẩy lãi suất lên hoặc xuống nhằm chuyển lợi nhuận thì cũng không được ghi nhận chi phí hợp lý khi tính thuế.
Trong dự thảo sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề nghị sẽ sửa đổi theo hướng loại trừ việc xác định quan hệ liên kết khi tổ chức tín dụng không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc không cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn của một bên khác.
Theo ông Đồng, đây là hướng thay đổi đáng hoan nghênh và phù hợp với nguyên tắc, bản chất quyết định hình thức của Luật quản lý thuế và những quy định khác.
Tuy nhiên, ông Đồng cũng cho rằng, mức khống chế trần lãi vay 30% chỉ hợp lý trong tình hình mặt bằng lãi suất ổn định ở mức trung bình thấp. Từ sau COVID-19, lãi suất cho vay cao khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp đã vượt mức khống chế này. Hệ quả là doanh nghiệp bị giảm chi phí được trừ khi tính thuế và phải nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, khiến khó chồng thêm khó.
"Do đó, cần xem xét đến giải pháp tăng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay lên mức cao hơn để phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế hiện nay. Điều này giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính và có thêm cơ hội tái đầu tư", đại biểu Đồng nói.
Trước đó, góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 132 của Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, dự thảo tuy đã điều chỉnh nhưng vẫn chưa giải quyết được hết các trường hợp.
Trong trường hợp hai bên ngân hàng và doanh nghiệp đi vay có quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn nhưng giao dịch cho vay với lãi suất phù hợp với mặt bằng chung của thị trường vẫn sẽ bị khống chế bởi ngưỡng 30%, điều này chưa phù hợp với mục tiêu cơ bản của Nghị định 132 là chống hành vi chuyển giá.
Trong trường hợp trên, hai bên không hề có hành vi thay đổi “bóp méo” lãi suất (giá của giao dịch cho vay) nhằm mục đích chuyển giá mà giao dịch này vẫn tuân theo nguyên tắc giao dịch độc lập. Việc không cho tính phần chi phí lãi vay vượt quá 30% trong một giao dịch thỏa mãn nguyên tắc giao dịch độc lập là bất hợp lý.
Do đó, VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng cho phép các doanh nghiệp chứng minh giao dịch cho vay theo nguyên tắc giao dịch độc lập bằng cách kê khai và lập hồ sơ so sánh với các giao dịch cho vay khác và/hoặc với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Trong trường hợp giao dịch này đúng nguyên tắc giao dịch độc lập thì doanh nghiệp được trừ toàn bộ chi phí tính thuế, kể cả trường hợp chi phí đó vượt mức trần 30%.
Cũng nói về tính cấp thiết của việc sửa đổi Nghị định 132, đại biểu tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam - cho rằng, tất cả doanh nghiệp đều đang rất mong chờ ngày Nghị định được thay đổi theo hướng phù hợp hơn.
Từ giữa năm 2023, tại Nghị quyết 105 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 132/2020 và báo cáo Thủ tướng trong quý IV/2023.
Tuy nhiên, đến nay dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định vẫn đang được lấy ý kiến và dự kiến đến quý III/2024 mới tổng hợp, báo cáo Chính phủ để ban hành. Điều này khiến doanh nghiệp rất sốt ruột vì chậm ngày nào là tốn kém thêm chi phí ngày đó.
“Tôi cho rằng cần thúc đẩy nhanh việc sửa đổi một số điều trong Nghị định 132 để trợ lực cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, từ đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế”, đại biểu Huân nói.
Trước đó, trả lời VTC News, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, muốn sửa đổi Nghị định 132 theo hướng hợp lý, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp thì cần giải quyết 3 điểm nghẽn đang gây khó cho doanh nghiệp. Đó là: nâng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay; kéo dài thời gian chuyển tiếp chi phí lãi vay và không tính chi phí lãi vay với ngân hàng thương mại.
Theo các chuyên gia, nếu tháo gỡ được những khó khăn này thì Nghị định 132 sẽ không còn là rào cản đối với sự phát triển của những doanh nghiệp nội có giao dịch liên kết.
Bình luận