Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, bà Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, để giữ chân các y bác sỹ trước làn sóng nghỉ việc, ngành Y tế cần tăng lương, cải thiện môi trường làm việc và minh bạch trong quy định pháp luật.
- Thời gian qua, nhiều bệnh viện vi phạm về đấu thầu, nhân viên y tế thì nghỉ việc. Vừa là lãnh đạo ngành Y tế vừa là đại biểu Quốc hội, bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Đây là hệ quả tất yếu của chế độ đãi ngộ thấp và môi trường làm việc không tương xứng với công sức mà các y bác sỹ bỏ ra. Câu chuyện này không xảy ra với riêng ngành Y tế mà nhiều ngành khác cũng vậy. Tuy nhiên, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc sau khi dịch COVID-19 xảy ra rất đang lo với cả toàn xã hội.
Buồn nhất là hầu hết các y bác sỹ này chọn nghỉ việc ở bệnh viện công để ra làm việc ở bệnh viện tư nhân. Trong khi đó, hệ thống bệnh viện tư nhân hầu như đều dành cho người có tiền - một bộ phần nhỏ của xã hội, còn đại đa số người dân khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lập là người nghèo, người chưa có kinh tế cao. Như vậy, những người dân khó khăn - số đông của xã hội - thì ai sẽ lo? Đây là trách nhiệm của Nhà nước.
Tôi không biết bản thân mình có bi kịch hoá hay không nhưng là người trong ngành Y tế, chúng tôi đang ôm một nỗi buồn kinh khủng. Các y bác sỹ trong bệnh viện đa số là người học y dược 6 - 10 năm ra trường, nhiều người còn đi học ở nước ngoài về, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị ở bệnh viện không đáp ứng đủ, gây lãng phí chất xám. Quan trọng hơn hết là lương thấp, không đủ giữ chân họ ở lại.
Không cần so sánh với những nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, ngay cả so sánh với Thái Lan, Malaysia... thì môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ nhân viên y tế của chúng ta vẫn quá kém.
Nhìn lại mức lương của nhiều y bác sĩ mà tôi thấy đau xót, sự hy sinh của chúng tôi chưa được xã hội nhìn nhận một cách thoả đáng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan
Hiện nay, trong bệnh viện công lập, các bác sỹ đang bị phân tâm bởi rất nhiều việc. Ngoài việc phải tập trung suy nghĩ về cách tốt nhất cứu chữa bệnh nhân, họ còn phải suy nghĩ về hành chính, thuốc thang. Đôi khi chính những cơ chế khó khăn này lại do chính chúng ta tạo ra, kìm hãm sự phát triển, sáng tạo và trí tuệ các y bác sỹ giỏi.
Dịch COVID-19 chính là phép thử. Khi bùng dịch trên cả nước, các y bác sỹ lao vào mặt trận dịch để tiên phong chống đỡ, hết sức vất vả, thậm chí nhiều đồng nghiệp của chúng tôi phải ngã xuống để đối lấy trạng thái bình thường mới như ngày hôm nay, nhưng đổi lại họ được gì?
Ngay cả việc đề xuất tăng mức lương cơ bản, mức lương cơ bản đó có thay đổi cũng không đáng là bao, tăng được chút xíu lên 1,2 so với 1,0 như trước đây. Chúng ta đang xử lý công việc một cách không bài bản và không rõ ràng.
Lúc chống dịch thì các y bác sĩ lao ra trận, sau dịch ngồi sắp xếp lại giấy tờ thủ tục thì đụng vô đâu cũng thấy sai, cũng thấy vướng quy định nọ, nghị định kia không thể tháo gỡ, thành ra anh em ngành Y tế đang rất sợ hãi. Đau xót nhất là nhiều người bệnh giờ vào bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiếu y bác sỹ khám chữa bệnh, hệ luỵ để lại rất lớn, người chịu sau cùng là người dân nghèo.
- Theo bà, nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế ở bệnh viện công lập ồ ạt xin nghỉ việc là gì?
Có 3 nguyên nhân khiến các y bác sỹ nghỉ việc ồ ạt thời gian qua. Thứ nhất, lương rất thấp, bác sỹ mới ra trường lương khởi điểm hệ số cũng chỉ hơn một phẩy - mức lương thấp nhất trong bậc lương cơ bản như mọi người rồi từ từ mới tăng dần lên theo thâm niên.
Trong khi đó, để một y bác sỹ giỏi ra trường đi làm được, họ cần bỏ ra từ 6 - 10 năm để học tập, thực hành. Mức lương chưa tương xứng với trình độ của các y bác sỹ, thành ra rất khó để giữ chân được người tài ở các cơ sở công lập.
Thứ hai, vấn đề tâm lý và môi trường làm việc. Hiện nay việc bắt các lãnh đạo ngành Y tế diễn ra nhiều quá, tạo tâm lý hoang mang cho các y bác sỹ và bệnh viên. Các bệnh viện không dám mua sắm hay đấu thầu vật tư y tế, thiếu thuốc, thiếu thiết bị... Chưa khi nào mà các bệnh viện công rơi vào tình trạng "bão" như hiện nay.
Trong khi đó, y học cứu người luôn cần đến các kỹ thuật, máy móc công nghệ cao. Bác sỹ giỏi mà không có máy móc tốt thì họ cũng sẽ nhanh "ngán". Muốn cứu người mà cơ sở vật chất, thiết bị không đủ, điều này tạo nên tâm lý không tốt cho y bác sỹ, họ sẽ từ bỏ công lập để ra các cơ sở tư nhân làm. Môi trường làm việc của ngàn Y tế đang rất nặng nề và sợ sai.
Thứ ba là thể chế pháp luật. Nếu ngày ngày làm việc trong môi trường sợ sai, đụng đâu cũng thấy sai phạm và không đủ cơ sở thiết bị để làm thì không một bác sỹ nào muốn gắn bó với nghề, với môi trường công lập.
- Vậy theo bà, giải pháp căn cơ để ngăn làn sóng nghỉ việc của các y bác sĩ là gì?
Tôi cho rằng, phương án giải quyết đầu tiên là tăng lương. Nhưng mà về lâu dài thì chúng ta phải tính đến cả ba cái yếu tố đã nói ở trên: Lương - Môi trường làm việc - Thể chế pháp luật minh bạch.
Chỉ một giải pháp tăng lương cơ sở không thể đủ sức nặng giữ chân các bác sĩ ở bệnh viện công. Nhiều y bác sĩ lựa chọn làm việc trong hệ thống công lập bởi dẫu sao nó cũng có sự chắc chắn hơn hệ thống tư nhân. Ở khối tư nhân, lương được trả rất cao nhưng mà tới một ngày người ta không hài lòng thì sẽ dễ dàng đuổi việc.
Đồng thời, chúng ta cũng phải lấy lại được vị thế của các y bác sĩ ở trong lòng của công chúng. Những người đậu được vào các trường Y Dược đều là học sinh giỏi, thi đại học 9 - 10 điểm/môn, rồi học 6 - 10 năm ra trường mà nhận lương không bằng một cử nhân hay nhân viên bán hàng thì ai muốn cống hiến. Giả sử, nếu ngày xưa chúng tôi chọn học ngành kinh tế, ra trường làm chuyên viên ngân hàng, tài chính... thì lương giờ cũng phải vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng là chuyện bình thường.
Nhìn lại mức lương của nhiều y bác sĩ mà tôi thấy đau xót, sự hy sinh của chúng tôi chưa được xã hội nhìn nhận một cách thoả đáng.
Tôi nói như vậy không phải để bênh vực những y bác sĩ làm sai trái. Ai sai ở đâu, sai thế nào có Nhà nước và lực lượng công an điều tra kết luận. Nhiệm vụ của lãnh đạo ngành Y tế là phải tạo ra một môi trường y đức thực sự để cho các y bác sỹ phát huy hết tài năng, yên tâm cống hiến.
- Tăng lương bao nhiêu là đủ để giữ chân các y bác sỹ ở lại?
Tăng lương y bác sỹ bằng lương ngành Công an hoặc ngành Bảo hiểm. Trong lực lượng vũ trang và ngành Bảo hiểm hiện nay, cấp trưởng phòng, phó phòng có hệ số lương hơn 1,8, càng lãnh đạo lương càng cao. Trong khi ngay tôi đây, hưởng lương ngang với Giám đốc Sở Y tế vẫn thấp hơn chuyên viên hai ngành kia. Quá đau xót cho các y bác sĩ, nhân viên y tế hiện nay, lương không đủ trang trải thì động lực nào để họ cố gắng, cống hiến.
- Xin cảm ơn bà!
3 nhiệm vụ được tân Bộ trưởng Y tế ưu tiên
Nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành Y tế trong bối cảnh đặc biệt, tân Bộ trưởng Đào Hồng Lan xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là bảo vệ thành quả chống dịch COVID-19.
Thứ hai là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Bộ Y tế vừa qua cũng trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội tập trung vào việc hoàn thiện pháp luật. Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược sửa đổi nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay.
Thứ ba là tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong những tháng vừa qua. Đến thời điểm này, nghị định về phụ cấp cho cán bộ y tế cũng đã được Bộ Tư pháp thẩm định, tới đây sẽ trình Chính phủ.
Bình luận