Sáng nay, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác (PPP). Quy mô của dự án PPP là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, bởi ngay trong dự thảo luật, Chính phủ hiện cũng đang đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo 2 phương án.
Phương án 1 là quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô cho từng lĩnh vực (nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý).
Phương án 2 là không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại phiên thảo luận tổ, Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (đoàn TP.HCM) đề xuất cần có 2 khung cho dự án PPP, một khung cho các doanh nghiệp lớn, một khung "PPP-Light" dành cho các doanh nghiệp nhỏ làm dự án nhỏ khoảng 15 tỷ đồng, để rút gọn quy trình, đỡ bớt rào cản thủ tục.
Đại biểu Dũng dẫn theo báo cáo ở nhiều nước cho thấy, các dự án PPP đều cao hơn đầu tư công từ 15% về chi phí, hiệu quả không cao như mong muốn. Tuy nhiên, xu hướng thế giới đang dùng hình thức đầu tư này nên Việt Nam vẫn nên phát triển song cần phải kiểm soát.
Ông cùng đề nghị cần tăng quyền giám sát dự án cho cộng đồng, thậm chí ngay từ lúc bắt đầu dự án, tránh những hiện tượng người dân tới các trạm BOT phản đối rồi vướng mắc vào các quy định khác của pháp luật.
"Người dân đóng tiền nên họ có quyền giám sát", ông Dũng khẳng định.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) cho rằng việc đặt rõ quy mô của dự án, từ đó phân định rõ được dự án PPP hay kêu gọi xã hội hoá. Về mức sàn quy mô dự án 200 tỷ đồng, ông cho rằng cần đánh giá kỹ bởi 200 tỷ đồng vào lúc này có thể là lớn nhưng vài năm sau, do trượt giá, nó có thể chỉ còn là một dự án bình thường.
Đại biểu Phạm Phú Quốc bày tỏ sự đồng thuận với dự án luật, đồng thời nêu ra điểm tích cực "trong trường hợp tác động tới luật khác thì ưu tiên luật này", bởi theo tính toán, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác (PPP) nếu được thông qua sẽ kéo theo gần 60 điều trong Luật Đầu tư công, Xây dựng,…phải thay đổi cho phù hợp.
Ngoài ra, ông nhấn mạnh, cần phân định rõ mục đích của dự án là phục vụ an sinh xã hội hay kiếm lời. Từ đó, Chính phủ nên xem xét đảm bảo tài chính cho dự án cho mục đích an sinh. Còn cần xem xét kỹ những dự án "kiếm lời", tránh kịch bản nhiều dự án cùng báo lỗ một lúc thì "lấy nguồn đâu để bù".
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng thực tế pháp luật Việt Nam đã có các nghị định song chưa bao quát hết được các vấn đề liên quan tới PPP, thiếu chặt chẽ nên để tồn tại nhiều vấn đề, khiến tốc độ của các dự án theo dạng đầu tư này chậm dần.
Ông nêu quan điểm cần bổ sung thêm lĩnh vực đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất vào hạng mục đầu tư được quy định trong dự án Luật.
Ngoài ra, việc tách bạch phần vốn Nhà nước trong dự án PPP cũng được nhiều đại biểu quan tâm và cho rằng đây là yếu tố quan trọng quyết định sự minh bạch lẫn thành công, vòng đời của dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thừa nhận: " Nếu không tách bạch được phần vốn nhà nước đầu tư, nhà đầu tư tư nhân sẽ không chỉ chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong quá trình triển khai thực hiện dự án, mà còn phải tuân thủ các quy định của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước. Như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, tạo tâm lý e ngại khi tham gia vào dự án PPP.".
Bình luận