Sáng 24/12, tại Hội nghị Báo chí toàn quốc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu ra 6 nội dung quan trọng, đề nghị lãnh đạo các đơn vị báo chí triển khai, thực hiện để xây dựng mục tiêu “nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Cụ thể:
Thứ nhất, tập trung tuyền truyền thật tốt việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của báo chí.
Cần nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo việc thông tin tuyên truyền những nội dung nghị quyết; xây dựng kế hoạch tuyên truyền một cách bài bản, lớp lang, có chiều sâu. Tiếp tục đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để thực hiện chủ đề này. Chủ động, tích cực tham gia, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, việc làm thường xuyên, hằng ngày.
Phải "truyền cảm hứng" khí thế, quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết, kết luận, tạo sức mạnh, bước tiến cho đất nước tiếp tục phát triển.
Thứ hai, tiếp tục tập trung cao độ cho thông tin, truyên truyền các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; công tác đối ngoại; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục...
Năm 2023, các cơ quan báo chí cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho tuyên truyền về lĩnh vực văn hóa, bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa: “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, “văn hóa còn thì dân tộc còn”, “văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”...
Thứ ba, về chỉ đạo, định hướng thông tin, từ bài học kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua, các cơ quan chỉ đạo, cơ quan tham mưu cần quán triệt, thấm nhuần sâu sắc hơn nữa quan điểm chỉ đạo, định hướng báo chí, đó là phải kiên quyết, kiên trì thực hiện phương châm nhạy bén, chủ động, kịp thời, thống nhất, thuyết phục; phải dự báo sát, đúng tình hình; kịp thời, chủ động trong cung cấp, định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí để báo chí thực sự chiếm lĩnh, làm chủ dẫn dắt trận địa thông tin trên không gian truyền thông.
Thực hiện tốt hơn nữa quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm nhân dân quan tâm; tăng cường nắm bắt thực tiễn, lắng nghe ý kiến từ cơ sở để nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, định hướng quản lý báo chí.
Cơ quan chủ quản báo chí cần thực hiện đúng, tốt hơn vai trò, trách nhiệm đối với hoạt động cơ quan báo chí, nhất là lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phê duyệt phương hướng hoạt động của cơ quan báo chí. Công tác nhân sự lãnh đạo cơ quan báo chí cần thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm năng lực, uy tín, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Thứ tư, về quản lý, khẩn trương đánh giá, rà soát kết quả triển khai việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí, trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung, nhất là Luật Báo chí 2016; kiến nghị sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập nảy sinh trong công tác quản lý báo chí.
Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ; sơ kết, đánh giá kết quả triển khai quy hoạch. Phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy, triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng, hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước đối với báo chí; chuyển đổi số báo chí.
Kiên quyết, kiên trì thực hiện rà soát, đánh giá và chấn chỉnh, xử lý tình trạng thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích; tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hóa” trong hoạt động báo chí để tạo bước chuyển biến thực sự rõ nét đối với vấn đề này. Cơ chế, chính sách, quy định, chế tài đã có, đã được ban hành, năm 2023 cần thực hiện tốt hơn.
Thứ năm, về công tác Hội, trong bối cảnh, tình hình hiện nay, đề nghị các cấp hội cần đặc biệt quan tâm, chăm lo hơn nữa công tác giáo dục hội viên và đội ngũ cán bộ báo chí một cách toàn diện, nhất là về phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn; xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, mà trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa.
Những vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của một số phóng viên, người làm báo trong thời gian qua, ngoài trách nhiệm chính là của bản thân các phóng viên, người làm báo, của cơ quan báo chí, có một phần trách nhiệm của các cấp hội trong việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên.
"Đây là vấn đề mà tôi đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội cần quan tâm trong năm 2023 và các năm tiếp theo", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Thứ sáu, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia tích cực, trách nhiệm, chủ động hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí ở địa phương trong phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định của mình.
Làm tốt công tác truyền thông chính sách, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; có cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ báo chí hoạt động thuận lợi đi đôi với việc quản lý hoạt động báo chí, truyền thông trên địa bàn một cách đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn; không né tránh, nể nang trong xử lý sai phạm hoạt động báo chí trên địa bàn.
Bình luận