Phát biểu góp ý vào dự án Luật Thuỷ lợi sáng 8/6, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cho rằng nhiều năm qua thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, đô thị hóa, chạy theo tăng trưởng nóng nhiều cơ quan quản lý nhà nước và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh dường như chỉ biết khai thác tài nguyên nước mà không biết quan tâm bảo vệ các lưu vực sông, hồ gây ô nhiễm nhức nhối, bức xúc cho xã hội.
"Ngay như ở Hà Nội có 4 dòng sông cổ như sông Tích, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy vốn là nguồn cung cấp nước sông thủy lợi lớn bao đời nay giờ đã trở nên ô nhiễm nặng, trở thành cống xả thải lộ thiên khổng lồ.
Không còn là thủy lợi mà trở thành "thủy hại" đối với cư dân sinh sống ven các con sông này, không chỉ thuộc Hà Nội mà cả các tỉnh lân cận thuộc đồng bằng Bắc Bộ", bà Khánh nói.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao những dòng sông thủy lợi này trở thành "thủy hại", bà Khánh được biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự ngăn lấp dòng chảy từ sông Hồng về các con sông này, rồi có sự cắt khúc tách bạch thiếu thồng nhất trong phân công quản lý nhà nước của các bộ, ngành thiếu sự quan tâm bảo vệ môi trường nước sông của các cấp chính quyền và nhân dân vùng ven sông khiến cho các dòng sông thiêng của thủ đô đã và đang trở thành dòng sông chết.
Video: Kinh hãi vườn rau xanh tốt được tưới bằng nước sông Tô Lịch
Bà Khánh cho rằng trong dự thảo Luật Thuỷ lợi, không có nguyên tắc nào bảo vệ nguồn nước sông, hồ, các công trình thủy lợi.
Thực tế trong quản lý nhà nước hiện nay, việc quản lý môi trường tài nguyên nước là do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, vì thế dự thảo Luật Thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải né tránh quy định này.
"Tôi đề nghị Chính phủ thống nhất quản lý về bảo vệ tài nguyên môi trường, đồng thời quản lý bảo vệ các công trình thủy lợi. Nguyên tắc này chỉ làm sâu sắc thêm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của chúng ta và trong hoạt động quản lý nhà nước của Chính phủ", đại biểu Khánh đề xuất.
Nhiều cử tri cho rằng, nếu chúng ta thực hiện thủy lợi chỉ quan tâm xây dựng mới mà không có sự quan tâm phối hợp, thống nhất tập trung nguồn lực đầu tư làm sạch các nguồn nước sông, hồ hiện có thì việc đầu tư xây mới cũng không thể bền vững.
Bên cạnh đó, đại biểu Khánh cũng đề nghị trong điều kiện địa hình đặc thù khó khăn ở vùng trũng, thấp, quanh năm dễ bị ngập lụt, sống gần các lưu vực sông thường xuyên ô nhiễm, nhà nước cần phải quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn nước sạch và xử lý ô nhiễm môi trường nước cho những hộ dân nơi đây.
"Tôi thấy thủ đô Hà Nội, một vùng phía Bắc và nội thành có thể được ưu tiên rất nhiều, nhưng vùng phía Nam là vùng trũng nhất của Thủ đô, nơi nguồn nước thải chảy về đó, liên quan đến vùng lưu vực sông vùng đồng bằng Bắc Bộ, chúng ta quên mất khu vực dân cư này thì vô hình chung những nơi này sẽ là nơi chịu những hậu quả của sự phát triển đầu tư đô thị hóa nóng ở những nơi khác, nơi này sẽ là nơi chịu hậu quả của vùng sả thải", vị đại biểu Hà Nội bày tỏ.
Trả lời ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thì cho rằng Sông Đáy là công trình trải dài trên 4 tỉnh, dài 164km2, 75,000 km lưu vực, các hoạt động kinh tế, trong đó nông nghiệp chỉ là một nhánh nhỏ hoạt động trong khu vực này.
"Chị Khánh vẫn bức xúc nói là hàng triệu m3, trong đó có một phần cơ bản hàng ngày nước thải đổ ra, đó là phạm trù đô thị, phạm trù nước xây dựng, nước sinh hoạt khác. Việc sông Đáy, sông Nhuệ là một dòng sông chứ không phải một công trình thủy lợi đơn thuần. Do đó, vấn đề này không có gì mâu thuẫn cả", Bộ trưởng Cường giải thích.
Bình luận