• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Doanh nghiệp Nhà nước lỗ nhưng không ai bị mất chức, đi tù

Kinh tếThứ Hai, 28/05/2018 15:00:00 +07:00Google News

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ra thực tế, dù doanh nghiệp Nhà nước lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay đi tù về chuyện quản lý yếu kém.

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.

hoang-van-cuong

 Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, có 3 lý do dẫn tới thực trạng kinh doanh thua lỗ, làm thất thoát vốn Nhà nước.

“Thứ nhất, là trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến kinh doanh thiếu hiệu quả.

Thứ hai, vì động cơ cá nhân nên những người quản lý đã đầu tư những hoạt động không hiệu quả nhằm chỉ để thu lợi ích cá nhân như đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp nhưng lại được hưởng lợi từ đấy.

Đầu tư vào lĩnh vực không hiệu quả nhưng lại được chia phần từ lĩnh vực đầu tư này hoặc cố tình tính giá trị đầu tư lớn hơn để được hưởng lợi ích phần trăm từ đó. Đó là hoạt động cố tình dùng những thủ đoạn để hợp pháp hóa việc rút tiền từ DNNN.

Thứ ba, dù DNNN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay đi tù về chuyện quản lý yếu kém để DNNN lỗ, có chăng chỉ có sai phạm”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng không có doanh nghiệp nào báo cáo đầy đủ lúc nào lỗ, lúc nào lãi. Thậm chí có doanh nghiệp khi cần báo cáo để thăng chức, để tăng quỹ lương hoặc xin vốn thì lập tức có báo cáo lãi, nhưng khi báo cáo cơ quan tài chính thì lại báo cáo lỗ.

“Người ta nói báo cáo tài chính của các doanh nghiệp giống như ông thần có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi”, đại biểu Cường ví von.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lỗ nhưng các lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp vẫn được hưởng mức lương cao, vì cơ chế trả lương cho doanh nghiệp là khi doanh nghiệp làm ăn có lãi chỉ được xác định mức lương theo mức lãi, nhưng khi lỗ thì không được tăng lương nhưng cũng không bị giảm mức lương này xuống.

Những yếu tố trên chính là động lực lôi kéo người quản lý doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa DNNN.

"Một điều kỳ lạ là những vấn đề xảy ra về thất thoát vốn, lỗ của DNNN thì ai cũng biết. Ta có cả một bộ máy thanh tra, kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp nhưng khôngphát hiện ra vấn đề này. Rõ ràng ở đây, về chính sách, pháp luật chúng ta cũng phải xem xét lỗ hổng trong việc quy định trách nhiệm của những cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của doanh nghiệp”, ông Cường đặt vấn đề.

Video: Bộ Công thương lên tiếng trước kết quả kiểm toán Sabeco

Đại biểu Cường tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Vấn đề đặt ra là ta có cơ chế,có tổ chức định giá độc lập, có tổ chức đấu giá độc lập nhằm làm minh bạch hóa việc mua bán tài sản nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng mua đắt bán rẻ? Ngay trong Báo cáo giám sát chỉ ra kết luận, thực ra việc định giá, đấu thầu chẳng qua chỉ là hình thức”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra điều kỳ lạ là giá định giá của cơ quan tư vấn thường rất sát với giá mang ra đấu giá tài sản. Việc lựa chọn cơ quan định giá và cơ quan đấu giá đều có quy trình, lựa chọn khách quan nhưng thường những cơ quan này được lựa chọn tương đối trùng lặp, tức là lặp đi lặp lại một số tổ chức định giá, tư vấn đấu giá thực hiện chức năng này.

“Có thể những người tham gia đấu giá tài sản nhà nước cũng lặp đi lặp lại, có một nhóm người chuyên tham gia vào lĩnh vực này. Phải chăng những cơ quan đang làm chức năng đấu giá, định giá không biết gì việc này?”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu vấn đề.

Theo ông Cường, sự việc trên xảy ra nhưng trên thực tế những tổ chức làm trách nhiệm định giá, đấu giá khi lập các dự án sai, định giá sai, thẩm định giá sai, đấu thầu xảy ra tình trạng như trên thì chưa có tổ chức nào bị xử lý.

Khi doanh nghiệp thua lỗ phải bán đấu giá tài sản, máy móc thiết bị thì đây lại là cơ hội làm ăn béo bở cho một số người mà người ta dùng hình ảnh là “kền kền ăn xác chết”.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần có thanh tra, kiểm tra các vụ bán tài sản nhà nước và kiểm tra liên quan đến cả tổ chức thực hiện chức năng định giá, thẩm định giá, đấu giá và quy trách nhiệm cho các đơn vị này đã tiếp tay cho việc làm thất thoát tài sản nhà nước.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn