Hôm nay (4/11), Quốc hội thảo luận các báo cáo về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, thi hành án dân sự của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và văn bản thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Góp ý về nội dung thảo luận, Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (đoàn TP.HCM) đưa ra một số đề xuất với công tác của ngành tòa án.
Về quy định, bà Thúy đồng ý với chỉ tiêu % về chất lượng hoàn thành nhiệm vụ do Quốc hội quy định với các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, về số lượng, nữ đại biểu cho rằng không thể dựa vào tỷ lệ % để đánh giá công việc hoàn thành vì xét xử là công việc đặc thù riêng, cần đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không phải cứ làm việc là tạo ra "sản phẩm".
"Từ khi có Nghị quyết số 49 cũng như nghị quyết số 08 về cải cách tư pháp, Tòa án cần mở rộng tranh tụng để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Chính quy định nêu trên gây áp lực cho tòa án, ảnh hưởng tới chất lượng giải quyết vụ án.
Dư luận đều cảm nhận rằng gần tới thời điêm chốt thi đua, Tòa án thường trì hoãn thụ lý vụ án. Như vậy, không phải chạy theo thành tích mà xác định tòa án không muốn quá trình công tác bị xem là không hoàn thành nhiệm vụ", bà Thúy cho hay.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM từ đó đề nghị Quốc hội và tòa án nhân dân tối cao có cơ chế quy định mới, khoa học, tiến bộ để các tiêu chuẩn, chỉ tiêu công tác sát với thực chất, phù hợp với vai trò của từng cơ quan tư pháp để thi đua mang ý nghĩa tích cực, tránh để tồn tại tình trạng đối phó.
Về biên chế tòa án, bà Thúy đồng tình với ý kiến các đại biểu khác chia sẻ việc giảm biên chế không nên áp dụng đồng bộ cho tất cả các đơn vị trong ngành tư pháp. Nữ đại biểu dẫn ra thực tế mỗi thẩm phán Quận ở TP.HCM phải giải quyết mỗi tháng trên 10 vụ án.
"Biên chế giảm nhưng vẫn phải bổ nhiệm thẩm phán dẫn tới thiếu trầm trọng một thư ký. Hiện nay, thư ký Tòa án TP.HCM phải giúp việc cho 3 thẩm phán. Có những phiên, thẩm phán này phải làm thư ký cho thẩm phán kia nếu không làm chủ tọa.
Tòa án không xin tăng biên chế nhưng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên biên chế được phân bổ tại TP.HCM, chủ động điều động thẩm phán trung cấp, sơ cấp", bà chia sẻ.
Về cơ chế bảo vệ công chức của tòa án cũng như những người tiến hành tố tụng, theo bà Thúy, các tranh chấp, khởi kiện tại tòa án, các đương sự có quyền và nghĩa vụ đối lập nhau. Việc Tòa án chấp nhận quyền lợi của bất cứ bên nào cũng bị xem là có tiêu cực. Đa số bên không được tòa án chấp nhận yêu cầu thường phản ứng rất gay gắt, tìm cách lăng mạ, bôi nhọ thẩm phán.
"Còn có cả trường hợp đương sự đuổi đánh kiểm sát viên, thẩm phán ngay tại phiên tòa. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội và Tòa án tối cao có cơ chế, biện pháp ngăn ngừa để không còn những tình trạng nêu trên xảy ra. Ví dụ như có cảnh sát Tư pháp trực tại tòa án", bà Thúy đề xuất.
Về chế độ đãi ngộ tiền lương, nữ đại biểu này cho biết mức lương hiện nay không đủ trang trải.
"Tòa án TP.HCM đang nhận rất nhiều đơn nghỉ việc của các thẩm phán, thư ký do quá tải, trách nhiệm và áp lực công việc. Tuy nhiên, tòa án chỉ cho thư ký nghỉ việc còn thẩm phán được nghỉ nếu có bệnh nặng. Còn lại thì động viên và giải quyết cho nghỉ lần lượt vì không có kinh phí để trả thôi việc một lần", đại biểu Thúy cho hay.
Từ các bất cập trên của Tòa án TP.HCM, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM đề nghị Quốc hội quan tâm, có biện pháp khắc phục tình trạng nêu trên, tạo điều kiện tốt nhất cho Tòa án để các cơ quan tư pháp hoạt động hiệu quả.
Bình luận