Ngày 28/10, Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về việc “cả nhà làm quan” nhưng được giải đáp là “đúng quy trình”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng đó những “biến tướng” rất tinh vi và quy định về phòng, chống tham nhũng cần phải xử lý được biến tướng ấy.
Đại biểu Nghĩa nói, lâu nay dựa vào công tác tổ chức cán bộ là đã có cơ quan tổ chức Đảng làm rất chặc chẽ rồi, quy trình nghiêm minh, khách quan nên không có hiện tượng đưa người thân thích, tạo thành mối quan hệ thân tộc trong bộ máy Đảng và Nhà nước được. Nhưng hiện nay rõ ràng là vẫn có tình trạng này.
Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng trong phòng chống tham nhũng tới đây, về mặt Đảng cần bổ sung những quy định đối phó những biến tướng đó. Luật pháp cũng phải như vậy.
“Luật Phòng chống tham nhũng đang sửa đổi, sắp tới phải đưa vào những quy định ngăn chặn hình thành mối quan hệ thân thích, dòng tộc trong bộ máy của Đảng và Nhà nước”, đại biểu Nghĩa đề xuất.
Nhìn nhận về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, dại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng Nghị quyết của Đảng, pháp luật đều xác định việc xác định xử lý trách nhiệm người đứng đầu là đúng. Nếu thực hiện được nguyên tắc, quy định đó thì là một trong những bước đột phá.
“Có một chân lý hàng nghìn năm nay, cả đông sang tây, từ cổ lẫn kim là cứ ở trên ngay ngắn chặt chẽ, nghiêm khắc 100% thì ở dưới sai phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng, hành vi trái pháp luật sẽ giảm rất nhiều.
Còn ở trên chỉ nghiêm túc ngay ngắn 10 phần mà làm chỉ được 5 phần thôi, không chặt chẽ, thiếu nghiêm túc chỉ 1 ly thôi thì ở dưới sẽ đi 1 dặm”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Video: Làm sao để chấm dứt tình trạng "cả họ làm quan"?
Bình luận về ý kiến đề xuất nghiên cứu giải pháp ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm quan, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng để đề xuất hợp lý, khoa học thì thì phải có nghiên cứu sâu một cách hợp lý.
Ông Nghĩa phân tích rằng nếu đưa ra một giải pháp đơn giản có thể đáp ứng một tình thế nào đó nhưng không giải quyết rốt ráo được vần đề.
“Ở đây cũng không loại trừ có những trường hợp ngẫu nhiên anh em cùng làm một cơ quan, vợ chồng cùng làm trong một sở hay một bộ. Đôi khi đó là ngẫu nhiên và bình thường và cũng không có tác hại gì”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Vì vậy, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nên cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.
Chia sẻ về điều này, ông Nghĩa nhấn mạnh chúng ta phản ứng tình trạng này là đúng và những gì dính đến chuyện người thân bổ nhiệm lẫn nhau thì phải có quy định để xử lý.
Tuy nhiên đại biểu Nghĩa cho rằng cũng phải xử lý cả những trường hợp khách quan và cần nghiên cứu căn cơ thấu đáo, rút kinh nghiệm từ các nước đề không cực đoan.
Bình luận