Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam vừa được Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến. Theo đó, tuyến cao tốc dài hơn 2.100 km sẽ chạy qua 32 tỉnh thành với tổng mức đầu tư khoảng hơn 310.000 tỷ đồng.
Theo Chính phủ, giai đoạn 1 của cao tốc Bắc - Nam dự kiến đầu tư hơn 650 km với tổng kinh phí hơn 118.000 tỷ đồng. Trong đó, 55.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, 63.000 tỷ đồng huy động nhà đầu tư.
Trong số vốn sẽ huy động, 13.000 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu nhà đầu tư, còn lại được huy động các tổ chức tín dụng.
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị), dự án cao tốc Bắc - Nam đến thời điểm này đã có đầy đủ thông tin, điều kiện để đưa ra Quốc hội xem xét quyết định thông qua. Tuy nhiên, có một khó khăn là việc huy động các nguồn lực về vốn để triển khai theo hình thức BOT.
Khó khăn nữa là, trước đây chúng ta thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, thủ tục đơn giản hơn, lựa chọn nhà đầu tư cũng đơn giản hơn. Nhưng lần này là tổ chức đấu thầu, đây là một thách thức. Đã đấu thầu thì phải chọn nhà đầu tư có năng lực để triển khai.
Liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng cho dự án, đại biểu Sinh cho rằng, nên giao cho địa phương kết hợp với chủ đầu tư để thực hiện. Bởi địa phương sát với dân nhất và có điều kiện tổ chức nhất. Do vậy, giao cho địa phương giải phóng mặt bằng là hợp lý nhất.
Về quản lý đầu tư, đây là dự án xuyên suốt thì không nên phân cấp cho địa phương mà để cho Trung ương quản lý để triển khai một cách thống nhất đồng bộ. Bởi ngoài việc tổ chức đầu tư thì còn vấn đề tổ chức quản lý, đặc biệt hiện Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt và định hướng là tổ chức thu phí tự động. Do vậy, công nghệ đó phải đồng bộ. Thực tế, hiện có nhiều dự án do nhiều chủ đầu tư khác nhau triển khai dẫn đến việc thu phí đang gặp khó khăn.
Hiện nay, ở giai đoạn 1 đã tìm ra một số nhà đầu tư có năng lực. Vậy ở giai đoạn 2, nhà đầu tư liệu có năng lực hay không, đây cũng là một khó khăn.
Tại giai đoạn 1 đã huy động khoảng 171.000 tỷ đồng cho kết cấu hạ tầng của giao thông. Vậy trong giai đoạn từ nay đến 2020 cần khoảng 118.000 tỷ đồng; trong đó, có 55.000 tỷ đồng nếu Quốc hội thông qua. Vậy còn thiếu 63.000 tỷ đồng nữa cần phải huy động.
"Vấn đề đặt ra là nguồn vốn nước ngoài có đổ vào đây hay không? Nếu chúng ta có cơ chế thoả đáng thì rất có thể nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào, nhưng vẫn phải tính bài toán huy động nguồn vốn trong nước", đại biểu Sinh cho biết.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) lại tỏ ra băn khoăn về việc sẽ phát sinh chi phí của dự án, vì chắc chắn với dự án lớn, làm trong thời gian dài, làm trên diện rộng sẽ có nhiều phát sinh, cần được tính toán.
Công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến hơn 8.000 hộ dân nên phải bảo đảm tính minh bạch, công khai. Công khai sớm dự kiến giá phí đường bộ để nhân dân có ý kiến, dự kiến mức phí 1.500 đồng/km trong 2 năm đầu tiên cũng cần tính toán thật kỹ cho hiệu quả.
"Với số km được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT cần tính toán, vì vừa qua đã xảy ra nhiều tồn tại. Bộ GTVT cần báo cáo Quốc hội những bài học rút ra từ những dự án BOT vừa qua để rút bài học cho dự án này", đại biểu Ngân lưu ý.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP.HCM) lại lo lắng vì chưa có đánh giá tác động nếu cao tốc này ra đời thì những còn đường hiện tại hiệu quả hoạt động ra sao? Vì nếu làm đường cao tốc, rồi đường sắt cao tốc ra đời thì quốc lộ 1, đường sắt hiện tại ra sao?
Đại biểu cũng dẫn lại một ví dụ là hiện nay cao tốc Hà Nội-Hải Phòng ra đời, vắng người đi, để hoàn vốn thì phí cao nên xe càng vắng, dồn hết sang đường 5 cũ, như thế là không hiệu quả. Chính phủ cần tính toán rất kỹ, vì theo tờ trình chỉ có 3 tuyến đầu tư công, còn lại là hợp tác công tư.
Video: Hơn 140.000 tỷ đồng vốn cho dự án cao tốc Bắc - Nam lấy từ đâu?
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Đoàn Long An) cho rằng, việc thực hiện sẽ phải theo hình thức BOT, nhưng thời gian vừa qua, hình thức BOT không nhận được sự đồng tình của người dân, do một số trạm thu phí cấp đặt không hợp lý.
"Thời gian qua nhờ thực hiện chủ trương xã hội hoá, đầu tư theo hình thức BOT đã đem lại hiệu quả lớn, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông. Nhưng chúng ta cũng cần phải xem xét lại từ khâu lập dự án ban đầu cũng như kêu gọi đầu tư cho phù hợp tránh tình trạng người dân phản đối", đại biểu Tuấn nói.
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn cũng đề nghị, phải công khai, minh bạch về đầu tư dự án. Bên cạnh đó, phải tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi. Như vậy thì dư luận xã hội mới không hoài nghi về BOT. Cách làm hiện nay chỉ định thầu là một bất cập, theo quy định của Luật Đấu thầu là không phù hợp.
Bình luận