• Zalo

Đại biểu phát ngôn chấn động về thực phẩm bẩn: 'Người Việt đang tự đầu độc nhau'

Thời sựThứ Hai, 04/04/2016 12:40:00 +07:00Google News

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã chia sẻ về những băn khoăn của ông về vấn nạn thực phẩm bẩn.

(VTC News) - Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng hành động sản xuất thực phẩm bẩn nguy hiểm hơn giết người trực tiếp, cần ngay lập tức có biện pháp ngăn chặn thực tế người Việt đang tự đầu độc người Việt.

Gần đây, vấn nạn thực phẩm bẩn đang trở thành chủ đề được đông đảo dư luận quan tâm và chia sẻ trên nhiều diễn đàn mạng. Trả lời phỏng vấn VTC News, đại biểu Trần Ngọc Vinh đã có nhiều tâm sự về vấn đề này.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Ảnh: Phạm Thịnh)
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Ảnh: Phạm Thịnh) 

- Trong kỳ họp trước, ông đã phát biểu "Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế" khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Từ kỳ họp đó đến kỳ họp này, ông đã thấy cơ quan chức năng có biện pháp gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn chưa?

Phát biểu của tôi hôm đó là: “Có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế. Hàng năm có hàng nghìn cái chết được dự báo trước” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí và dư luận.

Sau phát biểu đó, tôi rất hoan nghênh, các cơ quan báo chí đã nêu vấn đề, một số bộ ngành đã vào cuộc. Tôi ghi nhận đã có nhiều đoàn kiểm tra về thực phẩm tiến hành làm việc và kể cả các chợ, lò mổ. Sau đó một số Bộ ngành đã vào cuộc, nhân dân đã tẩy chay những thực phẩm bẩn và người ta cũng đã nghĩ đến sức khỏe.

Việc này có tác động mạnh mẽ đến việc sản xuất thực phẩm bẩn hiện nay. Nhưng tôi cho rằng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

- Có nhiều ý kiến so sách những người sản xuất và buôn bán thực phẩm bẩn không khác gì những kẻ buôn ma túy, giết người. Quan điểm của ông như thế nào?

Hiện nay có thực thế, gia súc sạch thì nuôi riêng, rau sạch thì trồng riêng cho gia đình mình ăn, còn những thực phẩm bỏ hóa chất, phun thuốc trừ sâu thì đưa ra thị trường để bán.

Hành động đó là giết dần giết mòn người dân. Hành động này nguy hiểm hơn giết người trực tiếp. Việc này gây ra cái chết dần dần và ảnh hưởng cả cho thế hệ sau. Ngoài tuyên truyền và tăng cường công tác quản lý thì trong bộ Luật hình sự cũng phải có điều luật xử lý vấn đề này rất nghiêm.

Video: Nguyên văn phát biểu của bộ trưởng Cao Đức Phát


- Hội ung thư Việt Nam công bố hàng năm nước ta có 150.000 ca mắc ung thư mới và 75.000 người chết/năm vì ung thư. Điều này có khiến ông băn khoăn về vấn nạn thực phẩm bẩn?

Tôi nghĩ việc có nhiều người chết vì ung thư hàng năm thì trong đó có nguyên nhân về thực phẩm, không đảm bảo an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân nữa gây ra ung thư như như biến đổi khí hậu, môi trường sống bị ô nhiễm hay một số bệnh tật khác nó phát sinh.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu làm rõ trong những trường hợp mắc ung thư đó thì có bao nhiêu phần trăm là do ăn phải thực phẩm bẩn.

Tôi thấy số lượng người chết vì ung thư ở Việt Nam là quá lớn và thể hiện sự nguy hiểm. Vì vậy, mỗi người cũng cần có trách nhiệm để ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh này trong cộng đồng.

 

Chúng ta đang tự mình hại mình. Vì vậy, cần ngay lập tức có biện pháp ngăn chặn thực tế người Việt đang tự đầu độc người Việt.

 
- Ông có thấy sự tàn phá khốc liệt của căn bệnh ung thư đối với các gia đình Việt Nam?


Sự tàn phá khốc liệt của căn bệnh ung thư đối với các gia đình Việt Nam là quá lớn. Trong gia đình có người bị ung thư, mọi người lại phải lo cho chạy chữa, chăm sóc sức khỏe cho người mắc ung thư.

Người Việt Nam có tâm lý là còn nước còn tát nên dù biết là không chữa được nhưng cũng cố gắng hết sức.

- Phải chăng chính người Việt đang tự đầu độc nhau?

Chính xác là như thế. Chúng ta đang tự mình hại mình. Vì vậy, cần ngay lập tức có biện pháp ngăn chặn thực tế người Việt đang tự đầu độc người Việt.

Tôi cho rằng phải sử dụng pháp luật. Cai trị một đất nước phải bằng pháp luật. Pháp luật phải thật tốt thì mới xử lý được những trường hợp sản xuất và kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn.

Ở Việt Nam, pháp luật không được thực thi nghiêm nên các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn không sợ. Trong khi đó, các cơ quan kiểm tra cũng cần làm rõ trách nhiệm vì sao không phát hiện ra thực phẩm bẩn.

- Để giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn, theo ông chúng ta cần làm những gì?

Rõ ràng, trước hết, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền cho chính những người sản xuất ra nông sản bẩn, không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, người dân phải kiên quyết tẩy chay thực phẩm bẩn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các cơ quan kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm và không để trường hợp cho phạt để tồn tại.

Đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, gây ra nhiều hậu quả lớn cho xã hội nên tất cả các ban ngành phải vào cuộc để xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn