Chiều 13/11, đánh giá cao sự chuyển biến trong công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua nhưng đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) vẫn băn khoăn là tại sao Đảng, Chính phủ “lò nóng rực”, Uỷ ban Kiểm tra làm hết sức, tích cực như vậy mà tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng bên cạnh việc cần quyết liệt và nghiêm khắc hơn thì cần nhấn mạnh tính gương mẫu, tự giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ đảng viên, người đứng đầu, thực hiện theo quy định của Trung ương là chủ động từ chức.
“Nếu có lỗi, không còn uy tín, không đủ điều kiện năng lực thì nên từ chức. Nhân dân chờ đợi sự chủ động của người “tay đã nhúng chàm”. Còn hơn một năm nữa là phải chuẩn bị cho được đội ngũ cán bộ chiến lược nên nhân dân mong những người không đủ uy tín, thiếu trách nhiệm chủ động từ chức, đừng như “con lươn”, “con chạch” mà leo cao”- đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng do nhận thức tác hại nghiêm trọng của tham nhũng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai, dù đương chức hay nghỉ hưu.
"Làm rõ đến đâu, xử lý đến đó, không cầu toàn, không chờ đợi, sau đó điều tra, xử lý tiếp. Phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ từ thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tuy chỉ là kết quả bước đầu, còn nhiều việc phải làm như nhiều đại biểu phát biểu trước tôi đã nói. Nhưng với tinh thần nói đi đôi với làm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế tất yếu.
Báo cáo Chính phủ nhận định: Tham nhũng đang được kìm chế, từng bước đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm. Đây là một kết quả thể hiện tính khách quan, nhìn nhận, đánh giá không chỉ trong nước chúng ta đánh giá mà bạn bè quốc tế cũng thừa nhận như vậy", đại biểu Nguyễn Thái Học nêu.
Tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 10/11 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo có nêu một câu hỏi băn khoăn, lo lắng của cử tri.
"Cử tri cho rằng với tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng cao như hiện nay thì sắp tới có lắng xuống không. Khi Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, có quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng không. Các đồng chí thường trực Ban chỉ đạo, các đồng chí trong Ban chỉ đạo đều khẳng định một tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới rất "rực lửa" và tinh thần này vẫn còn duy trì.
Tôi cho rằng, khi người dân đã phấn khởi, tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta sẽ lan tỏa sâu rộng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Khi người dân có lòng tin thì chúng ta sẽ có tất cả", đại biểu Học khẳng định.
Vị đại biểu Phú Yên cho rằng cần công phá tư tưởng "lợi ích nhóm”, có những quy định cụ thể dễ nhận diện tội phạm “tham nhũng vặt” trong cơ quan công quyền.
Đồng thời, chính quyền cần đẩy nhanh cải cách hành chính hạn chế tiếp xúc trực tiếp của người dân với cán bộ cơ quan công quyền.
"Tăng cường công khai minh bạch trong công tác cán bộ, thắt chặt công tác tuyển dụng, quản lý, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trong công tác cán bộ.
Cùng với đó là chuyển dần qua thi tuyển các chức danh, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, rèn luyện đạo đức công vụ cũng như trách nhiệm nghề nghiệp để mỗi cán bộ xứng đáng là công bộc của nhân dân", đại biểu Nguyễn Thái Học nêu.
>>> Đọc thêm: Quan chức Quốc hội: 'Đòi lót tay, phong bì ngày càng biểu hiện tinh vi'
Bình luận