Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: 'Không được bàng quan trước tiếng kêu của dân'

Chính trịThứ Ba, 30/03/2021 11:22:00 +07:00
(VTC News) -

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, cơ quan tư pháp không được bàng quan trước tiếng kêu của Nhân dân.

Sáng 30/3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Trình bày trước Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) kiến nghị, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Uỷ ban Tư pháp, Ban Dân nguyện và một số đại biểu Quốc hội quan tâm cần dành thời gian làm việc, đặc biệt để giải quyết các vụ án, vụ việc giám đốc thẩm, tái thẩm, đơn thư tố cáo hành vi xâm hại hoạt động tư pháp để làm rõ và xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

"Cần tập trung nghiên cứu, tái nghiên cứu khách quan nhất, nghiêm túc nhất, cẩn trọng nhất những vụ án, vụ việc, đương sự, bị can, bị cáo kiến nghị kéo dài, quyết liệt gây bức xúc dư luận. Cũng như phương pháp làm việc của các cơ quan hoạt động tư pháp không được bàng quan trước tiếng kêu của Nhân dân, đặc biệt cần đoạn tuyệt với thái độ và định kiến tiêu cực trong tư pháp", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: 'Không được bàng quan trước tiếng kêu của dân' - 1

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) trình bày tại phiên thảo luận của Quốc hội.

Vị đại biểu đoàn Bến Tre cũng kiến nghị tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước triển khai thực hiện đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp; Hiện thực hoá những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo về một nền tư pháp thật sự trong sạch vững mạnh, khẳng định vị trí, đẳng cấp của tư pháp, cơ quan toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo hiến pháp.

Nêu ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trước đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ, những về vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp là những vấn đề ông đã "theo đuổi gần như cả cuộc đời và trong suốt nhiệm kỳ vừa qua".

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu băn khoăn nhận thức và hành động trên tình thần đảm bảo độc lập tư pháp.

"Về nhận thức, chúng ta thấy vẫn tồn tại quan niệm về “ngành tòa án”. Thực tế không có khái niệm "ngành tòa án", mỗi một tòa án là cơ quan hoàn toàn độc lập với nhau, không có tòa án cấp trên, cấp dưới", ông Nhưỡng nói.

Về vấn đề chỉ tiêu, kế hoạch xét xử, ông Nhưỡng cho rằng kế hoạch làm việc thì có nhưng kế hoạch xét xử thì cần phải nghiên cứu lại.

"Chúng ta thấy có những phiên tòa ở một số nước có thể kéo dài cả năm. Tôi nhớ một đồng chí lãnh đạo của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp nói với tôi rằng công lý không bao giờ có giá rẻ, không chỉ đổi bằng tiền mà cả xương máu, phải mất thời gian, công sức và cả xương máu', ông Nhưỡng nói.

Về vấn đề hoà giải, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, chúng ta đã có luật hòa giải của tòa án, bên cạnh đó có luật hoà giải của cơ sở, nhiều hình thức hòa giải đã được nghiên cứu để áp dụng. Tuy nhiên, qua dự luận nhiều người phản ánh hòa giải chưa đạt được đến độ thực chất.

"Vẫn còn tình trạng “hòa giải dưới lưỡi dao”, hoà giải nhưng lại đe doạ người ta. Tôi đề nghị làm thế nào để hòa giải thực sự là hoà giải, người hòa giải thực sự phải là người trung lập, dẫn dắt các bên đến thỏa thuận công bằng", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng cần phải nghiên cứu cơ chế để làm rõ hơn vai trò của tòa án và viện kiểm sát trong công tác thi hành án. 

Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến việc nâng cao năng lực và điều kiện hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp. 

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn