Đại biểu kiến nghị Quốc hội giám sát vụ án tử tù Hồ Duy Hải

Tin nhanh 24hThứ Năm, 21/05/2020 14:00:32 +07:00
(VTC News) -

Một số đại biểu Quốc hội đang có kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giám sát đối với vụ án tử tù Hồ Duy Hải.

Nội dung được ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sáng nay 21/5.

Theo ông Bùi Văn Xuyền, vấn đề này phải được giải quyết theo trình tự và các quy định của pháp luật, xem xét dựa trên tình hình thực tế.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội giám sát vụ án tử tù Hồ Duy Hải - 1

ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

Vị đại biểu nhấn mạnh, ngay khi tiếp nhận ý kiến của một số đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội đã giao Uỷ ban Tư pháp tham mưu. "Từ đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có căn cứ để trả lời đại biểu", ông Xuyền nhấn mạnh và khẳng định “có thực hiện giám sát hay không giám sát, các nội dung này được thực hiện theo các quy định của luật pháp”.

Trước đó, trả lời tại buổi họp báo trước kỳ họp 9 của Quốc hội khoá XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 8/5, trong phiên giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao đã công bố quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, phúc thẩm xử phạt tử hình Hồ Duy Hải.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm. Trong nhiệm kỳ khoá XIII, Quốc hội cũng đã thành lập Đoàn Giám sát tối cao do ông Uông Chu Lưu - Trưởng Ban thực hiện giám sát, bà Lê Thị Nga – (khi đó là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp) thực hiện giám sát về việc oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về tố tụng hình sự. Đoàn giám sát cũng đã có báo cáo Quốc hội chi tiết về vấn đề này.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý, đảm bảo đúng pháp luật của Nhà nước.

Liên quan đến vụ việc này, trả lời PV VTC News, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, quyết định bác kháng nghị của TAND Tối cao chưa thật sự hợp tình, hợp lý.

"Ví dụ như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc thứ 2 là phải dựa trên cơ sở tranh tụng và chứng cứ. Với chứng cứ như thế mà kết tội là không được", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phân tích.

Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, ông sẽ nói vấn đề này trước Quốc hội.

"Cần thực hiện cuộc giám sát tối cao của Quốc hội, ở đây là Ủy ban Tư pháp đã giám sát rồi. Rất cần giám sát tối cao vấn đề này, nếu không sẽ trở thành một tiền lệ xấu cho nền tư pháp Việt Nam chứ không chỉ là vấn đề hình sự", ông Nhưỡng nói.

Cùng chung quan điểm với ông Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH Lê Thanh Vân đồng tình việc phải thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội cho vụ án.

"Chính tôi là người đề nghị có giám sát tối cao của Quốc hội theo điều 404 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Bởi vì Quốc hội hoàn toàn có quyền giám sát tối cao hoạt động xét xử của tòa án. Chỉ có cách nhìn nhận rộng hơn mới nhìn thấy được vi phạm hay không vi phạm của quá trình tố tụng hình sự do các cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm thực hiện. Khi đã xác định những dấu hiệu về bản chất vụ án làm thay đổi kết quả ấy, Quốc hội yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên tòa xét xử lại xem xét lại tố tụng", ông Vân nói.

Ngoài ra, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng 17/17 thành viên biểu quyết “không thay đổi bản chất vụ án” là chủ quan.

Ông Vân bày tỏ, ông không bàn luận về bản chất vụ án nhưng theo ông trong phiên tòa Giám đốc thẩm vừa rồi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vẫn chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về tố tụng.

Điều 31 Hiến pháp và Điều 13 của Luật Tố tụng hình sự ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội, có nghĩa là một người không thể bị kết tội khi chưa có bằng chứng buộc tội, trong khi ở đây tòa kết tội chỉ dựa vào lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải.

Căn cứ vào lời khai mà lời khai đó không phù hợp với logic của hiện trường, logic của những diễn biến vụ án, chẳng hạn như thời gian phạm tội, các công cụ gây án... nó mâu thuẫn như thế mà vẫn nói vì Hồ Duy Hải đã nhận tội là thiếu thuyết phục", ông Vân bày tỏ.

Đặc biệt, ĐBQH Lê Thanh Vân còn bày tỏ băn khoăn trước việc 17/17 thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết bằng hình thức giơ tay.

Ông Vân cho rằng đây là một quyết định liên quan đến tính mạng của con người, có thể tước bỏ tính mạng của một con người mà lại lựa chọn hình thức giơ tay thì không phù hợp, thậm chí là phản cảm, huống chi là thẩm phán hiện nay về mặt tổ chức chưa hoàn toàn độc lập so trong quan hệ với người đứng đầu tòa án là Chánh án TAND Tối cao. Cho nên hình thức lựa chọn hoặc bỏ phiếu bằng giơ tay là không hợp lý.

Kháng nghị vụ Hồ Duy Hải: Viện trưởng VKSND Tối cao lên tiếng

Phi Linh
Bình luận
vtcnews.vn