• Zalo

Đại án Phạm Công Danh: Khởi tố bà Hứa Thị Phấn và các lãnh đạo TrustBank

Pháp luậtThứ Bảy, 25/03/2017 08:07:00 +07:00Google News

Ngoài bà Phấn, C46 còn tống đạt các quyết định khởi tố bị can và khám xét nơi ở, nơi làm việc của 5 bị can nguyên lãnh đạo, cán bộ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín (TrustBank, năm 2013 đổi tên thành VNCB).

Hôm qua 24/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét nơi ở của bà Hứa Thị Phấn tại quận Thủ Đức (TP.HCM) về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời khám xét nơi làm việc trước đây của bà Phấn trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1.

Ngoài bà Phấn, C46 còn tống đạt các quyết định khởi tố bị can và khám xét nơi ở, nơi làm việc của 5 bị can nguyên lãnh đạo, cán bộ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín (TrustBank, năm 2013 đổi tên thành VNCB) trong đó có Bùi Thế Nghiệp - Trưởng phòng định giá tài sản Công ty xử lý nợ TrustBank, Nguyễn Vĩnh Mậu - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TrustBank.

5 bị can này bị khởi tố cùng hành vi với bà Phấn nhưng với vai trò giúp sức, nghe sự chỉ đạo của bà Phấn và ký các biên bản họp HĐQT chấp nhận cho TrustBank mua nhiều bất động sản gây thiệt hại cho TrustBank hàng ngàn tỉ đồng. Bà Phấn và 5 bị can này đều được cho tại ngoại điều tra. Sau khi khám xét, CQĐT thu giữ được một số hồ sơ, tài liệu liên quan.

1

Bà Hứa Thị Phấn tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, tháng 8/2016.

Bà Phấn là người nắm giữ hơn 84% cổ phần TrustBank trước khi ngân hàng này bán lại cho ông Phạm Công Danh (người gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng). Tháng 1/2017, khi Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ đại án Phạm Công Danh, đã mời bà Phấn với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Phấn là đại diện nhóm cổ đông cũ của TrustBank.

Không chỉ liên quan trong vụ án Phạm Công Danh, mà tên của bà Phấn cũng được nhắc rất nhiều lần trong hồ sơ liên quan đến vụ án vi phạm quy định về cho vay, lợi dụng chức vụ quyền hạn và cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).

Theo cơ quan điều tra, trong quá trình điều hành nhóm cổ đông cũ, bà Phấn đã mua rất nhiều bất động sản giá rẻ rồi nâng khống giá lên để bán lại cho TrustBank nhằm rút của TrustBank hàng ngàn tỉ đồng, đặc biệt là căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, bà Phấn rút hơn 1.100 tỉ đồng.

Để làm được việc này, không thể không kể đến sự tiếp tay của những người liên quan nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Hội đồng quản trị TrustBank như bị can Nghiệp, Mậu. Sau khi để lại cho TrustBank khoản nợ khủng thì bà Phấn ký hợp đồng với nhóm Phạm Công Danh chuyển giao cổ phần trị giá hơn 4.600 tỉ đồng, còn ông Danh có trách nhiệm trả nợ khoản vay hơn 3.500 tỉ đồng của nhóm bà Phấn.

Hiện C46 tiếp tục điều tra trách nhiệm của những người liên quan trong vụ án này.

Video: Mang chứng minh thư giả đến ngân hàng lừa đảo

(Nguồn: Thanh Niên)
Bình luận
vtcnews.vn