“Rượu ngon, cơm cháy thịt dê
Ninh Bình chào đón khách về thăm quan.
Đẹp thay non nước Tràng An
Hạ Long trên cạn, đại ngàn Cúc Phương.”
4 câu thơ ngắn nhưng miêu tả chính xác những điểm thu hút của vùng đất cố đô Ninh Bình. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nơi đây còn nổi tiếng với du khách gần xa bởi món cơm cháy - một thức quà dân dã, giản dị nhưng hấp dẫn.
Cơm cháy được cho là đã tồn tại hơn 100 năm. Tương truyền vào thời Pháp thuộc, có chàng thanh niên tên Đinh Hoàng Thăng đã sáng tạo ra món ăn này dựa trên những kinh nghiệm có được sau nhiều năm làm công cho quán ăn của người Hoa.
Qua thời gian, người dân địa phương lại chắt lọc thêm những bí quyết riêng để đặc sản quê hương ngày càng thơm ngon. Từ việc chọn gạo đến quá trình chế biến đều là những công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ. Gạo để làm ra cơm cháy Ninh Bình phải là hỗn hợp giữa 2 loại: Gạo tám thơm Hải Hậu (thuộc tỉnh Nam Định) và gạo khô. Khi pha trộn hai loại gạo này với nhau, chúng ta sẽ có món cơm cháy xốp và ngon hơn rất nhiều.
Nồi gang phải thật dày thì mới khiến cơm có độ cháy xém đạt chuẩn. Thông thường, người Ninh Bình sẽ dùng bếp củi để nấu cơm, đợi khi cơm chín thì vét ra, chỉ để lại lớp cơm dính ở đáy nồi.
Phần cơm này tiếp tục được mang lên bếp ủ cho đến khi có màu vàng nhạt, tự bóc ra khỏi đáy nồi. Lúc này, đầu bếp sẽ lấy cơm cháy ra, mang đi phơi khô và bảo quản trong các túi nilon, khi nào có khách thì chỉ cần cho vào chảo dầu sôi chiên giòn là được.
Cơm cháy có thể ăn với nhiều món ăn kèm, nhưng ngon và phổ biến nhất là với ruốc và nước sốt nấu từ thịt dê. Trong khi ruốc ăn mặn mặn, dai dai thì nước sốt lại có mùi thơm rất riêng của thịt dê, vị ngọt đậm đà hòa quyện với cơm cháy giòn giòn, bùi bùi, ăn rất cuốn miệng.
Ngày nay, cơm cháy Ninh Bình đã được chế biến hàng loạt, đóng gói trong bao bì chắc chắn nên khách du lịch có thể mua về làm quà. Ngoài ra, cơm cháy cũng đã xuất hiện tại các cửa hàng trên toàn quốc nên việc mua đặc sản này về thưởng thức không còn tốn nhiều công sức như trước.
Bình luận