Không chỉ Ngô Văn Hiếu - nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường ở Triệu Sơn, Thanh Hoá - thất vọng khi không đủ điểm đỗ Đại học Y Hà Nội như mong ước, mà hàng vạn người ngưỡng mộ câu chuyện đẹp đẽ của em đều buồn và tiếc. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, chàng trai này đạt điểm cao nhất khối B toàn trường với tổng 28,15, môn thấp nhất là 9, nhưng vẫn trượt. Điều đáng tiếc nhất là Hiếu chỉ thiếu vỏn vẹn 0,25 điểm là chạm tới cánh cổng ngôi trường mơ ước.
Trên mạng xã hội, bao nhiêu người bày tỏ niềm mong mỏi Đại học Y Hà Nội đặc cách tuyển Hiếu, bởi xét về học lực, em xứng đáng được đào tạo để thành bác sĩ. Giáo viên chủ nhiệm của nam sinh này đánh giá lực học của em rất tốt, và con số 0,25 điểm thua kém các bạn trúng tuyển là rất nhỏ, có thể tính vào yếu tố "hên xui". Còn về cái đức, cái tâm của người thầy thuốc thì không còn phải bàn, bởi chính vì khao khát chữa bệnh cứu người - mà trước hết là người bạn thân Nguyễn Tất Minh - mà Ngô Văn Hiếu đặt mục tiêu vào trường y.
Chút xíu độ chênh về năng lực với các bạn chính thức trúng tuyển, nếu có, tôi tin rằng một chàng trai đi phụ hồ giúp gia đình ngay sau kỳ thi sẽ đủ quyết tâm để san bằng. Chỉ cần trao cho Hiếu một cơ hội, tôi tin chắc em sẽ không phụ sự kỳ vọng của mọi người, chứng tỏ mình xứng đáng với chỗ của mình trên giảng đường Đại học Y Hà Nội, xứng đáng với quyết định đặc cách của trường.
Vậy nên, tôi lại thêm một lần buồn khi thầy hiệu trưởng Tạ Thành Văn trả lời báo chí rằng mọi người nên động viên gia đình và em Hiếu "chấp nhận kết quả, tuân thủ theo đúng quy chế tuyển sinh và không nên mong chờ một sự ưu tiên cá biệt cho mình", bởi khoảng cách 0,25 điểm là khoảng cách của hàng chục thí sinh. Tôi hiểu quan điểm của nhà trường khi quyết định không dành sự ưu tiên cho Hiếu, họ muốn đảm bảo sự công bằng với các thí sinh khác.
Thế nhưng, việc đặc cách nhận Hiếu có phải là thiếu công bằng không?
Xin thưa rằng không. Hơn bất cứ môi trường nào khác, Đại học Y là nơi cần tuyển những thí sinh có đủ tài và đức. Chỉ có những con người hội tụ đủ hai yếu tố này mới có thể trở thành thầy thuốc giỏi. Ngô Văn Hiếu đã cõng bạn đi học ròng rã 10 năm, từ khi còn là cậu học trò tiểu học. Ở tuổi đó, có mấy đứa trẻ biết nghĩ nhiều cho bạn bè, biết gác lại thú vui riêng, chấp nhận vất vả khó khăn để giúp bạn như Hiếu? Và có mấy người vẫn bền bỉ, kiên định thực hiện nghĩa cử này từ tuổi thiếu niên nến lúc thành niên? Chừng đó thời gian, đủ để hiểu nhân hậu, vị tha thực sự là bản chất của cậu, là nhân cách đã được định hình vững chắc.
Có lãng phí quá không khi chúng ta bỏ lỡ một bác sĩ như thế chỉ vì 0,25 điểm? Đành rằng Hiếu có thể vào học trường y khác, nhưng ai cũng biết Đại học Y Hà Nội là cơ sở đào tạo bác sĩ tốt nhất khu vực phía Bắc, mọi học sinh muốn theo nghiệp thầy thuốc đều mơ ước vào đây bởi ở ngôi trường này, khả năng họ trở thành bác sĩ giỏi sẽ cao hơn.
Chúng ta không thiếu những học sinh có điểm số cao, nhưng người có tấm lòng như Hiếu không nhiều. Đặc cách tuyển Hiếu vào Đại học Y Hà Nội là trao cơ hội không chỉ cho Hiếu, mà là cho cả cộng đồng, cho những bệnh nhân nghèo. Tôi tin, những thí sinh cũng thiếu 0,25 điểm giống Hiếu nhưng không được đặc cách sẽ không tị nạnh, so đo. Cũng muốn thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người, các em ấy sẽ hiểu tại sao trường dành sự ưu tiên đó cho Hiếu.
Nếu ai đó còn băn khoăn về sự công bằng, hãy xem cách Harvard - một trong những trường đại học tốt nhất thế giới - tuyển sinh. Theo đó, điểm số không phải là yếu tố duy nhất để thí sinh được chọn. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, điểm số, ban tuyển sinh của Harvard phỏng vấn trực tiếp các thí sinh, cân nhắc xem mỗi em có phù hợp với môi trường của họ hay không, và những người mang lại nhiều giá trị cống hiến cho cộng đồng luôn được ưu tiên.
Tại sao chúng ta không áp dụng cách này khi tuyển sinh đại học, nhất là ở môi trường đặc thù như trường y?
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.
Bình luận