Vaccine dịch tả lợn châu Phi của Dabaco vào giai đoạn thử nghiệm quan trọng
Các chuyên viên nghiên cứu của Dabaco đã tiến hành giám sát tính sinh miễn dịch của sinh phẩm vaccine thử nghiệm thông qua việc lấy máu, kiểm tra kháng thể ở các thời điểm 7, 14, 21, 28 ngày sau tiêm.
Kết quả cho thấy, sau 7 ngày tiêm đã có những cá thể lợn đầu tiên có kháng thể, đến ngày thứ 14 đạt tỉ lệ 70%, đến ngày thứ 21 số lợn có kháng thể đạt 80% và tỷ lệ lợn có kháng thể tăng dần theo thời gian, không phát hiện thấy sự bài thải virus ra bên ngoài qua hệ thống các lỗ tự nhiên.
Theo chia sẻ của ông Vũ Đăng Đồng - Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y Dabaco, thử nghiệm hiện tại được đánh giá là an toàn với đàn lợn thí nghiệm, lợn không có triệu chứng bất thường sau thời gian 7, 14, 21 ngày tiêm. Do đó, bước đầu có thể nhận định, đây có thể sẽ là một sinh phẩm vaccine an toàn, hiệu quả để phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong tương lai gần.
Dự kiến ngày 23/11/2021, Dabaco sẽ thực hiện công cường độc cho đàn lợn thí nghiệm tại Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương, đồng thời tiến hành hàng loạt các thử nghiệm khác như xác định khả năng bảo hộ, độ dài miễn dịch, nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất và thương mại hóa vaccine.
Được biết, từ giữa tháng 10/2021 phòng thí nghiệm đạt chuẩn BSL3 của Dabaco đã gọi dậy, nuôi cấy cũng như hoàn thành quy trình bảo quản thành công tế bào dòng thường trực PIPIC; gây nhiễm, nuôi cấy, bảo quản thành công chủng virus ASF G-Delta I177L/Delta VLR trên dòng tế bào thường trực PIPIC.
Ngày 26/10, các chuyên gia trong phòng thí nghiệm của Dabaco đã tiến hành thử nghiệm vaccine trên đàn lợn để đánh giá độ an toàn, độc lực và hiệu quả của vaccine. Với kết quả thử nghiệm thành công trên đàn lợn sau 21 ngày, vaccine dịch tả lợn Châu Phi của Dabaco bước vào những giai đoạn thử nghiệm quan trọng để chuẩn bị cho quá trình sản xuất vaccine trong thời gian tới.
Nhu cầu sản xuất vaccine ngày càng bức thiết
Trong khi cuộc chạy đua với thời gian để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa đến hồi kết thì dịch bệnh này vẫn tiếp tục gây nhiều thiệt hại lên ngành chăn nuôi thế giới.
Tại châu Á, dịch bệnh này xuất hiện lần đầu tiên trong một báo cáo tại khu vực đông bắc Trung Quốc vào tháng 8/2018, căn bệnh này đã nhanh chóng khiến hơn 1 triệu con lợn bị chết hoặc tiêu hủy. Chỉ sau một thời gian ngắn, dịch đã lan nhanh đến nhiều quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Chuyên gia Yolanda Revilla thuộc Trung tâm Sinh học Phân tử Severo Ochoa - Madrid đánh giá, có những vaccine tiềm năng đang được phát triển nhưng phải 3, 4 năm nữa các loại vaccine này mới có thể ra thị trường, cho đến lúc đó giảm thiểu truyền nhiễm là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, việc ngăn chặn virus này đặc biệt khó khăn bởi quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ tại nhiều nước châu Á.
“Việc cho lợn ăn thức ăn thừa từ nhà bếp và bữa ăn của người là thói quen phổ biến nhưng ẩn chứa rất nhiều rủi ro”, Juan Lubroth - Bác sĩ thú y tại trụ sở của Tổ chức Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Rome cho biết. Bởi vậy, muốn “xóa sổ” được dịch bệnh này thì các đơn vị nghiên cứu phải nghiên cứu, sản xuất vaccine đạt hiệu quả cao trong thời gian ngắn nhất.
Cục Chăn nuôi thống kê, tính hết tháng 12.2020, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 27,3 triệu con, tương đương 88,7% so với tổng đàn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Dự kiến đến cuối quý 1/2021, tái đàn đạt khoảng 5,5 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 73,6% so với thời điểm chưa có dịch xảy ra.
Để quá trình tái đàn thành công, vaccine sẽ trở thành một công cụ quan trọng, vực dậy ngành chăn nuôi trong nước sau những thiệt hại nặng nề do dịch bệnh gây ra. Với những tín hiệu tích cực từ quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine trong thời gian qua, Dabaco đã mang lại niềm hy vọng cho người chăn nuôi trong nước.
Đồng thời, trong bối cảnh thế giới vẫn chưa sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi thì đây cũng được xem là bước tiến lớn giúp Tập đoàn Dabaco thuận lợi “xuất ngoại” trong tương lai gần.
Bình luận