Trao đổi với phóng viên sau khi công bố kết luận giám định, ông Trần Văn Phúc (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định, Tổ trưởng Tổ công tác giám định độc lập) cho hay Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng tàu thép cho ngư dân theo Nghị định 67 đã để xảy ra nhiều "sai phạm nghiêm trọng".
Theo ông Phúc, trong các hạng mục của tàu thép thì máy chính được xem là bộ phận quan trọng nhất. Khi máy hỏng hóc giữa biển, không hoạt động được nếu gặp thời tiết xấu, sóng lớn có thể gây phá nước chìm tàu, trực tiếp đe dọa tính mạng ngư dân.
Tổ giám định phát hiện doanh nghiệp bàn giao 9 tàu thép có máy chính không phải chính hãng, động cơ không đồng bộ cho ngư dân ra biển. Đây là sai phạm khó chấp chận.
8 mẫu thép không đạt tiêu chuẩn
Tổ trưởng Tổ công tác giám định độc lập cho biết các chuyên gia đã thu thập mẫu thép 17 tàu có dấu hiệu gỉ sét, xuống cấp nhanh bất thường gửi đến Trung tâm Phân tích 1 - Vinacontrol (Hà Nội) để kiểm định.
Kết quả cho thấy 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) sử dụng thép Trung Quốc, còn 12 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu dùng thép Hàn Quốc.
Riêng 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng bằng thép Trung Quốc, Tổ giám định phát hiện trong hợp đồng ký kết với ngư dân không ghi thép chủng loại gì. Tuy nhiên trong chứng thư thẩm định giá sau khi đóng hoàn thành tàu có ghi vật liệu là thép Hàn Quốc/Nhật Bản.
Rõ ràng doanh nghiệp này sai phạm nghiêm trọng trong việc tự ý đóng tàu bằng thép Trung Quốc thay vì vật liệu Hàn Quốc/Nhật Bản.
"Có 8 mẫu thép (ba mẫu tàu thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng và 5 mẫu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu thi công) không đạt chỉ tiêu hóa học (không đạt tiêu chuẩn cấp A của thép đóng tàu đi biển)", ông Phúc nói.
Các chuyên gia giám định dẫn chứng thêm rằng hai mẫu lấy từ tàu thép của ông Trần Văn Hạo, một mẫu thép tàu ông Mai Văn Chương, một mẫu thép tàu ông Nguyễn Công Qúy... đều không đạt về cấp thép A.
Còn nhiều uẩn khúc
Ông Phúc bộc bạch trong quá trình thẩm định độc lập tàu thép gặp sự cố nằm bờ, Tổ công tác gặp không ít khó khăn. Cụ thể từ ngày 6/6 đến 10/6, bảy chủ tàu xin rút đơn kiến nghị (trước đó ngày 31/5, 18 chủ tàu thép gửi đơn kiến nghị) sau khi thỏa thuận với đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu.
Tuy nhiên Tổ giám định vẫn triển khai công việc thẩm định 17 tàu để có kết quả chính xác (một tàu của ông Lê Hoài Thanh hành nghề ngư trường phía nam nên chưa kiểm tra được).
"Tôi nghĩ mình giúp ích được gì cho dân thì mình cố gắng hết sức làm đúng thực tế, khách quan. Tổ giám định có một thành viên là cán bộ chuyên ngành điều tra tội phạm, Phòng An ninhkinh tế (Công an tỉnh Bình Định) đã thu thập đầy đủ chứng cứ sai phạm của các doanh nghiệp đóng tàu phục vụ công tác điều tra, xử lý tiếp theo", Tổ trưởng Tổ giám định cho biết.
Dự kiến ngày 26/6, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp với các sở, ngành và Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để bàn giải pháp, ra "tối hậu thư" về thời gian khắc phục tàu, phương hướng đền bù thiệt hại cho ngư dân sớm ra khơi trở lại.
Video: Tàu vỏ thép 'đắp chiếu' ỏ Bình Định: Công ty đóng tàu đánh tráo thép Trung Quốc
Bình luận