Kỳ 3: "Dã thú" tàn ác
Trong số những đứa trẻ được phía Trung Quốc trao trả, thì hai anh em Vàng Mí Lềnh và Vàng Mí Ly là trường hợp đặc biệt, vô cùng đáng thương, còn ở lại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang.
Năm 2008, khi hai cháu được trao trả, vẫn còn nhỏ xíu. Ly vẫn còn ẵm ngửa, còn Lềnh mới chập chững biết đi. Thế nhưng, giờ 2 anh em đã lớn khôn.
Bọn “dã thú” từ bên kia biên ải đã gây ra vụ án rúng động cả cao nguyên đá, cướp mạng sống 2 vợ chồng anh Vàng Chứ Say và Sùng Thị Chúa.
Sau vụ thảm sát vợ chồng anh Giàng Pà Giáo và Cháng Thị Chúa, công an và biên phòng đã tóm gọn 3 tên chỉ điểm. Tưởng rằng, bọn “dã thú” phải khiếp sợ, không ngờ, 2 tháng sau, chúng tiếp tục ra tay. Bọn chúng còn liều lĩnh khi giết người, cướp trẻ em ở ngay cạnh Đồn biên phòng Bạch Đích.
Hai anh em Lềnh và Ly |
Theo chân đồng chí dân quân, ông Kim đã bủn rủn tay chân khi tận mắt cảnh tượng thảm khốc: Vàng Chứ Say (sinh năm 1981) cùng vợ là Sùng Thị Chúa (sinh năm 1979) nằm chết dưới nền nhà, máu chảy thành vũng. Bà Thào Thị Xay (sinh năm 1947) nằm bất động trên giường. 3 đứa trẻ Vàng Mí Tính (sinh năm 2001), Vàng Mí Lềnh (sinh năm 2003) và Vàng Mí Ly (sinh năm 2006) đều mất tích.
Theo lời anh dân quân, khoảng nửa đêm, nghe thấy tiếng trẻ con khóc phía nhà Vàng Chứ Say, anh đã tỉnh dậy. Tiếng khóc mãi không dứt, tiếng chó sủa ngày một lớn, khiến anh không chợp mắt được.
Anh kiếm đèn pin chạy về phía nhà Say. Thấy sự việc nghiêm trọng, anh hô hào cả bản thức dậy. Một nhóm được phân công chạy sang phía biên giới để truy tìm 3 đứa trẻ, một nhóm thông báo cho Đồn biên phòng Bạch Đích.
Bà Thào Thị Xay (Ảnh Đỗ Doãn Hoàng) |
Thấy bà Xay vẫn thở thoi thóp, bộ đội biên phòng đã đưa về đồn sơ cứu, rồi chuyển gấp về Bệnh viện tỉnh Hà Giang. Cảnh sát hình sự ngày đêm trực bên giường bệnh của bà Xay. Việc cứu sống, cũng như bảo toàn tính mạng của bà vô cùng quan trọng, bởi bà là nhân chứng sống của vụ án.
Sau một thời gian nằm viện, bà Xay đã thoát nguy kịch. Bà kể lại rằng, hôm đó, ngoài vợ chồng Say và 3 đứa con, còn có bà và 2 đứa cháu nội của bà, một trai, một gái, tức cháu ruột của Say, từ Đắk Lắk ra chơi. Hai đứa bé này là con của anh trai, vốn di cư vào Tây Nguyên sinh sống.
Cơm nước xong, mọi người lên giường ngủ. Bà Xay ngủ với cháu gái. Cháu trai lên gác trên ngủ. Vợ chồng Say cùng 3 đứa con ngủ ở phòng trong.
Những khúc sa mộc mà bọn "dã thú" dùng để sát hại vợ chồng anh Vàng Chứ Say |
Vừa chìm vào giấc ngủ, thì bà không biết gì nữa. Một tên đã bất ngờ dùng gậy đập một nhát chí mạng vào đầu, khiến bà bất tỉnh luôn.
Cùng lúc tấn công bà, chúng ra tay sát hại cả vợ chồng Vàng Chứ Say. Bọn chúng tấn công cùng một cách thức, đó là dùng gậy sa mộc, to bằng bắp chân, dài trên dưới 1 mét, đập thẳng vào đầu nạn nhân.
Các cán bộ khám nghiệm tử thi nhận định, qua vết thương, có thể thấy rằng, bọn tội phạm xuống tay vô cùng tàn khốc. Mục đích rõ ràng của chúng là giết bằng được nạn nhân.
Các cán bộ điều tra cũng nhận định rằng, trước khi tấn công gia đình anh Say, chúng đã tìm hiểu kỹ lưỡng, qua lại nhiều lần. Vì thế, bà Xay mới thấy quen mặt một tên trong số chúng.
Lực lượng công an tuyên truyền bà con vùng biên giới huyện Yên Minh cảnh giác với bọn tội phạm giết người cướp trẻ em |
Bà Xay nhận mặt rõ tên Lếnh, là người Trung Quốc, lấy vợ ở bản Há Già (Thắng Mố, Yên Minh). Tên này thường xuyên tìm sang Việt Nam mua trâu buôn sang Trung Quốc. Thi thoảng hắn qua lại nhà Say, thậm chí từng uống rượu tại nhà.
Vụ án xảy ra từ tháng 2, đến tháng 7 thì các đối tượng trong đường dây sát hại vợ chồng Vàng Chứ Say bị công an Trung Quốc tóm gọn. Bà Xay được hộ tống sang Ma Ly Pho (Trung Quốc), để nhận diện các đối tượng. Bà đã nhận ra từng tên có mặt ở nhà con trai bà vào đêm xảy ra vụ án.
Chúng tôi nhắc đến 2 anh em Lềnh và Ly, bà Xay khóc rưng rức. Bà nhớ các cháu, nhưng đã già yếu, nên bà không đi thăm được. Chỉ đến các ngày lễ, Tết, bà mới có cơ hội được gặp 2 cháu.
Riêng thằng cả Vàng Mí Tính thì vẫn chưa tìm thấy. Nếu còn sống, Tính đã 12 tuổi. Có lẽ, Tính đã trở thành một đứa trẻ Trung Quốc, quên cả tiếng mẹ đẻ rồi.
Vàng Mí Lềnh rất thông minh, học giỏi |
Theo các cán bộ Trung tâm, hai anh em Lềnh và Ly đều ngoan, học giỏi, nên được nhiều người quý. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, có điều kiện kinh tế tốt muốn nhận hai cháu về nuôi dưỡng, và Trung tâm thấy điều đó cũng tốt cho hai cháu, tuy nhiên, bà Xay và chú, bác lại không đồng ý.
Tôi hỏi bà Xay lý do, bà bảo rằng, bà sợ nếu cho đi, người ta lại đem bán cháu sang Trung Quốc, thì mãi mãi bà không gặp lại được cháu mình. Mặc dù chuyện đó không thể xảy ra, nhưng dù thuyết phục thế nào, cũng không xoay chuyển được suy nghĩ của bà.
Theo ông Trần Quang Bắc, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Hà Giang, cháu Vàng Mí Lềnh thực sự là niềm tự hào của Trung tâm.
Lềnh vừa tốt nghiệp lớp 3, Trường tiểu học Nguyễn Huệ. Mới có 3 năm đi học, nhưng căn phòng nhà tập thể không còn chỗ để treo bằng khen.
Cả 3 năm, Lềnh đều là học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm nay, em đạt 3 giải nhì cấp tỉnh cho 3 môn thi Toán, tiếng Anh và chữ đẹp. Năm ngoái, Lềnh còn được vinh dự là học sinh của tỉnh, về Hà Nội tham dự liên hoan học sinh nghèo toàn quốc.
Bài phát biểu, tâm sự về gia cảnh của mình, khiến hàng ngàn đại biểu phải rơi nước mắt. Mơ ước trở thành bộ đội biên phòng, bảo vệ từng tấc đất biên cương, từng giây phút yên bình cho đồng bào của em, khiến cả hội trường lặng đi.
Tôi cứ mường tượng ra cảnh, trên dãy Pái Chư Pìn hùng vĩ nơi biên cương Tổ quốc, có một chiến sĩ biên phòng áo xanh Vàng Mí Lềnh đạp chân trên đá tai mèo sắc nhọn.
Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương
Bình luận