Từ trước đến nay, cơ quan công an phải xử lý rất nhiều vụ ném đá hoặc đập phá ô tô do tức giận khi bị chiếu đèn pha gây chói mắt. Đây là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản, cần nghiêm trị, và thực tế không ít người đã bị khởi tố, xử phạt. Tuy nhiên, nếu tình trạng lạm dụng đèn pha không quá phổ biến thì cũng không có cảnh cả hai bên đều chịu tổn thương như vậy: Người bị hỏng tài sản, bị đe dọa an toàn sức khỏe, tính mạng; kẻ mất tiền bồi thường, bị phạt, thậm chí ra tòa. Những hành vi quá khích, bạo lực trên không phải do thù hằn cá nhân với bị hại, mà bộc phát từ sự bức xúc tích tụ qua nhiều lần bị chiếu đèn pha vào mắt.
Những người lái xe trong đêm từng gặp nguy hiểm vì bị đèn pha ngược chiều làm cho mất phương hướng chắc hẳn sẽ hiểu được sự bức xúc này. Bản thân tôi có lần bị lạc tay lái khiến ô tô lao xuống cống bên đường, khi chiếc ô tô ngược chiều bất ngờ chiếu thẳng luồng ánh sáng công suất lớn và mãi không chịu tắt đi.
Cũng vì lý do tương tự, một người họ hàng của tôi đang đi xe máy bỗng ngã lăn ra đường, rạn xương sau khi va phải xe máy khác mà tài xế cũng đang “mù dở” vì chói. Cách đây khoảng 6-7 năm, trên xa lộ Hà Nội (đoạn qua phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM) xảy ra vụ tai nạn lật xe nghiêm trọng. Bị ánh đèn pha từ xe tải ngược chiều làm lóa mắt, tài xế xe con lạc tay lái, đâm vào dải phân cách đang thi công nằm giữa đường rồi lật nhào; 2 người trên xe bị thương nặng.
Nhiều tài xế chỉ nghĩ đơn giản là muốn bật đèn pha cho sáng hơn, quan sát dễ hơn mà không đếm xỉa đến thực tế, việc sử dụng vô tội vạ loại đèn này không chỉ vi phạm quy định mà còn gây nguy hiểm cho người khác. Đèn pha có lợi ích giúp người lái quan sát các biển báo và chướng ngại vật, ổ gà… từ xa, nhưng chỉ nên sử dụng trên cao tốc hoặc những con đường thiếu ánh sáng và vắng phương tiện đi lại. Do cường độ ánh sáng mạnh và góc chiếu cao, nó có thể gây cản trở tầm nhìn cho tài xế đi ngược chiều, khiến họ bị mất thị lực tạm thời, tầm nhìn gần như bằng không, không thể quan sát tình hình giao thông phía trước. Nó cũng khiến tài xế đi cùng chiều ở phía trước không thể quan sát qua gương chiếu hậu.
Bất cứ ai thường xuyên lái xe đều hiểu điều này, vậy mà nhiều người vẫn ích kỷ tới mức khi xe khác nháy đèn ra hiệu đề nghị chuyển về đèn cos, họ vẫn không hạ pha mà cứ thế đi tiếp, chỉ cần chiếu sáng đường mình đi. Vài người trong số họ sau đó bị tấn công bởi nạn nhân của mình. Rõ ràng, làm hỏng xe người khác là hành vi phạm pháp, vô văn hóa, nhưng nó lại khởi nguồn từ một hành vi thiếu văn hóa, vô ý thức khác, đó là dùng đèn pha vô tội vạ, sai quy định.
Hãy làm người lái xe văn minh, tôn trọng sự an toàn của đồng loại bằng việc sử dụng đèn pha vừa đủ, đúng quy định. Nếu không là bạn đang hại mình, hại người đó.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận