(VTC News) - Sáng 18/5, Bảo tàng Đà Nẵng đã tiếp nhận bức phong sắc cổ mang tên “Thự thủ thành Thành Điện Hải” dành cho người canh giữ thành Điện Hải xưa, do nhà sưu tập Bùi Văn Quang hiến tặng.
Bức phong sắc “Thự thủ thành Thành Điện Hải” có kích thước 80x40cm, làm bằng giấy có màu vàng nhạt, trang trí hình rồng, mây, hoa văn chấm phủ nhũ bạc. Bức phong có ý nghĩa “…Nhân vật này là người có công trạng tham gia công việc (bảo vệ) thuộc đội nhất tiền vệ doanh “Thần cơ” nay được Bộ binh chuẩn cho ông ta giữ chức Thự thủ thành Thành Điện Hải (điều khiển) biền binh (lính chiến đấu) của doanh ấy. Vâng lệnh thực hiện mọi công việc nếu để khiếm khuyết chức vụ sẽ không khoan nhượng”.
Tấm phong sắc được phong vào thời Vua Minh Mạng năm thứ 21 (1840) và đúng thời điểm danh thần Nguyễn Công Trứ vào kiểm tra hệ thống phòng thủ của Đà Nẵng.
Tấm phong sắc được phong vào thời Vua Minh Mạng năm thứ 21 (1840) và đúng thời điểm danh thần Nguyễn Công Trứ vào kiểm tra hệ thống phòng thủ của Đà Nẵng.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng tiếp nhận tấm phong sắc do nhà sưu tập Bùi Văn Quang sưu tầm, hiến tặng |
Đây là bức phong lần đầu tiên phát hiện có liên quan đến lịch sử di tích Thành Điện Hải được Bảo tàng Đà Nẵng tiếp nhận để lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị. Tuy nhiên do một phần mặt trước của bản sắc phong ghi tên vị quan được sắc phong đã bị cắt mất, nên hiện chưa xác định được nhân vật.
Thành Điện Hải, một di tích lịch sử quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng năm 1988. Trước đây được gọi là đồn Điện Hải, được xây dựng vào năm 1813, năm thứ 12 của triều đại Gia Long ở gần cửa sông Hàn (Đà Nẵng). Thành được đổi tên vào năm 1834, năm thứ 15 của triều đại Minh Mạng, sau khi đã được di chuyển vào khu đất liền bên trong và xây dựng lại bằng gạch trên dải đất cao vào năm 1823, năm thứ 4 triều đại Minh Mạng. Năm 1840, Nguyễn Công Trứ kiểm tra phòng thủ Đà Nẵng và ra lệnh bố phòng vững chắc hơn cho thành Điện Hải và An Hải.
Vào năm 1847, năm thứ 7 của triều đại Thiệu Trị, thành Điện Hải được mở rộng đến 556m với 5m tường cao bao quanh bằng một con mương sâu 3m. Thành được thiết kế với 2 cánh cửa chính, một cửa chính mở về phía nam, cửa còn lại mở về phía đông. Bên trong thành có Hành Cung (nơi bàn việc triều đình), Kỳ Đài (nơi cắm cột cờ), một kho chứa lương thực, đạn dược cùng 30 ụ sống thần công.
Thành Điện Hải, thay mặt cả nước, nổ tiếng súng đầu tiên, chống quân xâm lược thực dân Pháp, bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước. Việc Bảo tàng Đà Nẵng tiếp nhận tài liệu quý có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu, giáo dục về lịch sử đối với giới nghiên cứu và người dân.
Bửu Lân
Bình luận