“Bắt phốt” do kéo dài thì chịu
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà (Đà Nẵng) mới đây, nhiều cử tri bày tỏ lo lắng trước thông tin trái ngược liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm đất đai ở Đà Nẵng gây thất thoát 3.400 tỷ đồng.
Ông Đào Ngọc Hoan (cử tri phường An Hải Đông) lo lắng: “Thanh tra Chính phủ vẫn giữ quan điểm kết luận Đà Nẵng sai phạm trong quản lý đất đai gây thất thoát 3.400 tỷ, trong khi đó Đà Nẵng nói không. Cứ cái kiểu “ông nói có, bà nói không” là không được. Dân chúng tôi biết tin ai, cứ cái kiểu ấy hoang mang lắm”. Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà (Đà Nẵng).
Cử tri Hà Quỳnh (phường An Hải Bắc) đồng quan điểm: “Nếu có thể, đại biểu cho chúng tôi biết, chứ Đà Nẵng giải trình rồi nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm như đã kết luận như vậy chúng tôi rất hoang mang".
Trước ý kiến nhiều cử tri về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thanh giải thích: “Thanh tra Chính phủ nói có cái thất thu, có cái thất thoát. Thất thoát là mất hẳn, còn thất thu là lẽ ra phải thu số tiền bao nhiêu đó mà thành phố không thu. Cả thất thu và thất thoát là 3.400 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ vẫn giữ quan điểm, thành phố cũng đã giải trình rồi. Kiểm điểm cũng kiểm điểm rồi".
"Tôi không bình luận đúng hay không đúng. Mà trong bối cảnh đó làm như vậy có hiệu quả, có lợi cho người dân, cho thành phố Đà Nẵng thì làm. Chủ trương của Chính phủ cho đến 20%, kéo dài 5 năm thì dừng lại. Còn Đà Nẵng bị “bắt phốt” do kéo dài hơn thì chịu thôi”, ông Thanh nói thêm.
Theo ông Thanh, thời điểm đó, thành phố giảm 10% cho doanh nghiệp nào nộp một lần tiền đất trong 60 ngày, nhờ đó Đà Nẵng có tiền để đầu tư những công việc khác.
“Ví dụ như xây một chung cư phải mất 60 tỷ, 5 năm sau muốn xây phải lên đến 90 tỷ hay 100 tỷ, đồng tiền mình thu về trước, thì phát triển được những việc như vậy. Việc miễn giảm 10% trên cơ sở của Nghị định của Chính phủ cho phép giảm đến 20%. Việc giảm không chỉ thành phố được lợi, doanh nghiệp được lợi mà chính người dân được lợi. Còn nói thì phải nói cho hết, cùng thời điểm với Đà Nẵng có những thành phố cũng thất thoát 9.500 đến 10.000 tỷ nhưng có ai nói đâu”, ông Thanh chia sẻ.
Sẽ “đấu” trực diện và quyết liệt
Trong buổi tiếp xúc, ông Thanh cũng lắng nghe và trả lời các ý kiến của cử tri Lê Văn Toản (phường Nại Hiên Đông) và cử tri Trần Phước Tướng về tình hình tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam và chủ quyền biển đảo.
“Liên tiếp trong thời gian qua, tàu cá Việt Nam đánh bắt trên vùng biển lãnh hải liên tiếp bị tàu lạ mà chủ yếu là tàu Trung Quốc xâm hại lãnh hải, dùng tàu lớn uy hiếp tàu cá Việt Nam. Hỏi người dân chúng tôi phải làm thế nào, nhà nước phải có động thái gì chứ để thế này sao được?”, cử tri Lê Văn Toản nói.
Cử tri Lê Văn Toản (phường Nại Hiên Đông) bức xúc về việc tàu Trung Quốc liên tiếp xâm phạm lãnh hải Việt Nam |
Về ý kiến của cử tri về bỏ phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết: “Trên thế giới chỉ có Việt Nam làm kiểu này thôi. Theo tôi thời gian tới nên làm 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm, chứ lấy ý kiến mà làm 3 mức nên hòa cả làng".
"Trên thế giới họ chỉ lấy phiếu tín nhiệm khi ông có vấn đề thôi, chứ tự dưng lôi ra bỏ phiếu thì việc này như con dao hai lưỡi. Những người làm được việc nhưng va chạm thì bị không ưa, bỏ phiếu thấp. Còn người yếu kém, nhưng quan hệ tốt thì được lòng nên phiếu cao. Đừng cho việc này như chiếc đũa thần. Cái gì cũng tương đối thôi. Theo tôi như cách làm vừa rồi là chưa tốt lắm, nhưng được cái là cơ sở để làm tốt hơn”, ông Thanh nói.
Kết thúc buổi tiếp xúc, cử tri Lê Thị Giỏi (phường An Hải Bắc) có nêu thắc mắc về chính sách chiêu hiền đãi sỹ của Đà Nẵng xuất hiện nhiều bất cập.
“Sinh viên giỏi ra trường vẫn không có việc do yêu cầu phải có kinh nghiệm, nhưng khi đi xin việc hợp đồng thì không cho. Người dân chúng tôi cũng “bó phép” với chủ trương này. Các cháu ra trường rồi lại đi làm công nhân”, bà Giỏi nói.
Nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh yêu cầu: “Tui nghe vụ ni lạ, học giỏi mà không nhận là lạ. Nhưng chị cũng chú ý, giỏi cũng tùy trường, có nhiều trường giỏi nhưng chỉ bằng khá của trường khác. Cái này cũng phải xem xét. Mà chị có đem theo hồ sơ không. Nếu thật sự có như vậy, sau buổi tiếp xúc này, chị ở lại gặp tôi, đưa hồ sơ tôi xem, tôi sẽ xử lý”.
Bửu Lân
Bình luận