• Zalo

Đà Nẵng ngập lụt khắp nơi: Hệ thống thoát nước xuống cấp gây tắc nghẽn dòng chảy

Tin tức 24h quaThứ Bảy, 28/10/2023 16:06:49 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, một trong những nguyên nhân gây ngập lụt vừa qua là do hệ thống thoát nước xuống cấp gây tắc nghẽn dòng chảy.

Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 13-17/10 khiến Đà Nẵng ngập lụt khắp nơi. 

Trả lời VTC News liên quan tình trạng Đà Nẵng liên tiếp xảy ra ngập lụt các tuyến đường, khu dân cư khi mưa lớn, lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, một trong những nguyên nhân là do phần lớn hệ thống thoát nước xuống cấp, làm tắc nghẽn dòng chảy.

Cống thoát nước xuống cấp, trạm bơm mất điện

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, qua rà soát, nguyên nhân gây tình trạng ngập lụt tại Đà Nẵng gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Thời gian qua, tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Thêm nữa, các trận mưa lớn thường xảy ra tại thời điểm điều kiện thủy văn bất lợi, mực nước triều cường cao hơn đáy cửa xả nên hạn chế khả năng tự chảy của cống.

Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 13-17/10 khiến nhiều khu vực ở Đà Nẵng ngập sâu.

Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 13-17/10 khiến nhiều khu vực ở Đà Nẵng ngập sâu.

Đáng chú ý, hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố.

Phần lớn hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố được xây dựng từ lâu và hiện đã xuống cấp. Một số tuyến cống được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ bằng cống gạch vòm (sau này xây bằng đá hộc) đã bị sụt lở, tắc nghẽn, một số đoạn rất hạn chế khả năng thoát nước”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.

Bất cập nữa là số điểm cục bộ có tiết diện, cao độ cống chưa hợp lý như khẩu độ nhỏ, cống hạ lưu nhỏ hơn thượng lưu. Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm còn chồng chéo khi hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang... lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước làm giảm khả năng thoát nước.

Không những vậy, tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước như đổ đất đá, rác thải xuống mương cống, hồ điều hòa gây tắc nghẽn dòng chảy, xe tải trọng nặng chạy lên vỉa hè gây hư hỏng các cấu kiện của hệ thống thoát nước.

Cũng theo lý giải của Sở Xây dựng Đà Nẵng, ngoài những nguyên nhân trên, hiện một số dự án, công trình thoát nước được bố trí vốn nhưng chưa thể thi công hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, một số công trình đã thi công hoàn thành nhưng chưa bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý, kéo dài thời gian do thủ tục pháp lý dẫn đến cống thoát nước không được nạo vét thường xuyên.

Về vận hành trạm bơm chống ngập khi mưa lớn, theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, khi xảy ra mưa lớn, cần vận hành máy bơm thì nguồn điện tại các trạm không được ổn định.

Thực tế vẫn còn tình trạng mất điện khi đang mưa lớn dù hiện nay các trạm bơm chống ngập là khu vực ưu tiên về nguồn điện. Vì vậy, việc vận hành trạm bơm chống ngập cho thành phố gặp khó”, lãnh đạo Sở cho biết.

Bên cạnh đó, số lượng, chủng loại máy móc, thiết bị chuyên dùng trang bị cho Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải để phục vụ duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước đô thị còn hạn chế, một số được sử dụng lâu nên hiệu suất giảm.

Các khu dân cư thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng ngập sâu.

Các khu dân cư thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng ngập sâu. 

“Đại công trình” chống ngập

Để giải quyết thực tế “cứ mưa là ngập” hiện nay, theo Sở Xây dựng, Đà Nẵng đang thực hiện và tiếp tục chuẩn bị đầu tư, thi công loạt dự án thoát nước, xử lý ngập úng.

Hiện nhiều dự án được khẩn trương thi công như tuyến cống liên phường Xuân Hà (từ đường Điện Biên Phủ đến kênh Phú Lộc), tuyến kênh từ Khu công nghiệp Hòa Khánh ra sông Cu Đê và các tuyến cống chuyển nước mưa từ phía biển về hướng sông Hàn.

Riêng kênh từ Khu công nghiệp Hòa Khánh ra sông Cu Đê hiện đã hoàn thành. Các tuyến cống chuyển nước mưa từ phía biển về hướng sông Hàn đang gấp rút hoàn thành trong năm 2023 và tuyến cống liên phường Xuân Hà cố gắng về đích trong Quý I/2024”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.

Thành phố cũng đang thực hiện các dự án gồm tuyến đường Trục I Tây Bắc (đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến nút giao Quốc lộ 1A), tuyến đường Nguyễn An Ninh nối dài (đoạn từ đường sắt đến Quốc lộ 1A), tuyến cống thoát nước chính nối từ nút giao đường số 2 Khu Công nghiệp Hòa Khánh - Quốc lộ 1A đến hồ Bàu Sấu...

Để chống ngập lụt hiệu quả, ngoài những dự án trên, có nhiều dự án tiếp tục được chuẩn bị đầu tư gồm Dự án Xử lý thoát nước khu vực xung quanh Sân bay Đà Nẵng với các hạng mục nâng nền, cải tạo hố ga, bổ sung tuyến cống thoát nước nối từ hồ Thạc Gián qua hồ Công viên 29/3, tuyến cống thoát nước dọc đường Hoàng Hoa Thám.

Dự án các tuyến cống chuyển nước mưa từ phía biển về hướng sông Hàn để xử lý gấp rút thi cộng để hoàn thành trong năm 2023.

Dự án các tuyến cống chuyển nước mưa từ phía biển về hướng sông Hàn để xử lý gấp rút thi cộng để hoàn thành trong năm 2023.

Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư các dự án như: Dự án nâng cấp, cải tạo hồ điều tiết khu vực thượng lưu tuyến kênh thoát nước Phần Lăng, dự án xử lý ngập úng khu vực đường Lê Tấn Trung cùng vùng lân cận và dự án cải tạo các tuyến cống thoát nước khu vực nội thành (đường Hùng Vương - Lý Thái Tổ, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh - Lê Lợi).

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, những dự án đã, đang và sắp thực hiện là biện pháp căn cơ, tổng thể nhưng hiện tại, để hạn chế ngập lụt, Sở và cơ quan chức năng thường xuyên nạo vét, khơi thông cống rãnh theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.

CHÂU THƯ
Bình luận
vtcnews.vn