• Zalo

Đã Nẵng có thể trở thành 'thủ phủ' du lịch ban đêm của Việt Nam?

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Tư, 02/10/2019 11:13:00 +07:00Google News

Tại Đà Nẵng - một trong những điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam, do chưa hình thành nền kinh tế đêm bài bản nên những nguồn lợi khổng lồ đang bị "đánh rơi".

Bao giờ có "Đà Nẵng không ngủ"?

Vào Đà Nẵng lần thứ 3 trong 5 năm, gia đình anh Minh Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã quen với lịch trình tắm biển, ăn hải sản, đi chơi Bà Nà Hills 1 ngày rồi lại tắm biển, buổi tối ra bờ sông Hàn dạo bộ, ngắm cầu, rồi đi hát karaoke, bar thì ồn ào không phù hợp cho gia đình. Đến 11h đường phố đã vắng hoe, cả gia đình về khách sạn ngủ, dù vẫn chưa hết năng lượng. "Bao năm rồi mà Đà Nẵng vẫn chẳng có gì mới mẻ, thú vị vào ban đêm", anh Minh Đức phàn nàn.

Thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí đêm khiến nhiều du khách rời Đà Nẵng sớm. Theo báo cáo của Cục Thống kê và Sở Du lịch Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2019, du khách đến Đà Nẵng tiếp tục tăng song mức chi tiêu bình quân giảm từ 5,22 triệu đồng còn 4,652 triệu đồng, và số ngày lưu trú bình quân của khách quốc tế cũng giảm từ 3 ngày xuống còn 2,7 ngày. Doanh thu của dịch vụ lưu trú và lữ hành đều thấp.

Doanh thu tăng chậm là một vấn đề, song điều đáng quan tâm là nguồn doanh thu này vẫn chủ yếu từ ban ngày. Dịch vụ đêm đơn điệu khác xa so với sự nhộn nhịp, sầm uất, sôi động ban ngày khiến thành phố sông Hàn đang để lãng phí nguồn doanh thu lớn.

Nếu như trước đây, nhìn vào con số du khách, Đà Nẵng có thể hài lòng với tốc độ tăng trưởng đều đặn qua từng năm, thì giờ đây, các nhà làm du lịch đã bắt đầu mơ tới một ngành công nghiệp về đêm sôi động, điều có thể giúp Đà Nẵng kích thích chi tiêu du khách để tăng trưởng doanh thu hơn nữa.

Kinh tế đêm Đà Nẵng đã manh nha hình thành từ những nỗ lực xây dựng một vài trung tâm giải trí, chợ đêm, phố "Tây" trong thành phố… Nhưng giống như thực trạng chung được TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) nhận định, "kinh tế ban đêm phục vụ du lịch ở các thành phố lớn nước ta không hẳn là bị bỏ ngỏ, mà lâu nay được phát triển theo kiểu tự phát, thiếu quy hoạch và các chính sách, biện pháp hỗ trợ".

Thực tế, việc tạo ra khu vui chơi đêm đúng nghĩa là không dễ, từ việc quy hoạch, pháp lý cho đến tìm kiếm nhà đầu tư đủ tầm để tạo ra sản phẩm "ra tấm ra món". Đà Nẵng đã có chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Helio, phố "Tây" An Thượng - nơi có vẻ hút nhiều khách Tây hơn với các cửa hàng tiện lợi 24h, nhà hàng, quán bia, các bar pub nhẹ nhàng, spa, massage…

Tuy nhiên, cũng chỉ tới 23 giờ, các khu phố này đều đã vắng vẻ. Hạn chế do nằm trong khu dân cư, nên các hoạt động về đêm ở đây không thể kéo dài quá muộn.

Bao giờ mới có một "Đà Nẵng không ngủ", đến nay, vẫn là câu hỏi lớn.

dia-diem-vui-choi-buoi-toi-o-da-nang-1-15699173575671317788237-crop-15699173651321757714132

 

"Chìa khóa" mở cánh cửa kinh tế đêm

Theo các chuyên gia, muốn mở cánh cửa kinh tế đêm, Đà Nẵng cần bắt đầu từ mở cửa khung pháp lý, xây dựng quy hoạch các khu vui chơi giải trí đêm tách biệt với khu dân cư, có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Phó Giáo sư (PGS) Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch, có nhiều cách để vừa phát triển vừa quản lý tốt các hoạt động kinh tế ban đêm, trong đó có cách quy hoạch thành một khu riêng như nhiều nước trên thế giới.

"Tôi cũng đã đề xuất trong rất nhiều quy hoạch và ý tưởng phát triển, ngay kể cả Đà Nẵng về việc quy hoạch riêng khu kiểu như downtown để cung cấp đủ mọi dịch vụ về đêm gồm mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí... Đây sẽ là khu vực riêng để khách du lịch đến vui chơi về đêm. Điều này sẽ giúp thuận lợi hơn trong quản lý" - vị PGS cho hay.

Còn theo TS Lương Hoài Nam, chính quyền nên bắt đầu từ việc quy hoạch các hoạt động kinh tế ban đêm về không gian, hoàn thiện các thủ tục cấp phép, quản lý trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người đầu tư, kinh doanh, đồng thời chính quyền có các biện pháp đồng bộ đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh ở các điểm đông người.

Bên cạnh rào cản nhìn thấy, các chuyên gia cũng nhận định, Đà Nẵng đang nắm giữ điều kiện thuận lợi để chuyển mình trở thành một chốn ăn chơi, giải trí sôi động về đêm, chứ không chỉ có du lịch ban ngày như hiện nay.

Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh ấn tượng, những tổ hợp giải trí, công viên tầm cỡ cho đến các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới, đầu năm 2019, Đà Nẵng được New York Times bình chọn là 1 trong 15 điểm phải đến nhất năm 2019, tờ báo ngợi ca Đà Nẵng là một "Miami" của Việt Nam.

Sức hút của Đà Nẵng cũng đã được minh chứng khi dòng khách ngoại đổ về thủ phủ miền Trung ngày càng đa dạng. Tính đến cuối năm 2018, có 23 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng hoạt động, với tần suất 328 chuyến/tuần. Trong 8 tháng 2019, Đà Nẵng đã có thêm các đường bay quốc tế mới kết nối tới Chiang Mai (Thái Lan), Cao Hùng, Đài Bắc (Đài Loan) và dự kiến đến cuối năm nay mở thêm các đường bay Đà Nẵng – Jakarta (Indonesia), Đà Nẵng – Busan (Hàn Quốc).

Ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, năm 2019, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đa dạng thị trường khách, hướng đến các dòng khách có khả năng chi tiêu cao như châu Âu, Mỹ, Úc, Ấn Độ…, từng bước nâng tỷ trọng những thị trường khách này khoảng 19% (năm 2018 gần 13%) trong tổng cơ cấu khách quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng càng cần bắt tay ngay vào việc chuẩn bị các bước cần thiết để sớm thắp sáng nền kinh tế ban đêm. Điều kiện "vàng" cho Đà Nẵng là trên địa bàn đang có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp lớn làm du lịch như Sun Group, Vingroup…., nên có thể thu hút ngay các doanh nghiệp này "đầu quân" vào kinh tế ban đêm. Với kinh nghiệm sẵn có, các doanh nghiệp du lịch lớn sẽ biết cách tạo nên chuỗi dịch vụ đêm đa dạng, đẳng cấp.

Nếu Đà Nẵng sớm có các tổ hợp du lịch, giải trí đêm quy mô như một Bà Nà Hills, hay Vinpearl Land Nha Trang…, thì thành phố sông Hàn không chỉ là "thủ phủ" du lịch miền Trung, mà rất có thể còn vươn tới ngôi vị "thủ phủ" kinh tế ban đêm của Việt Nam.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn