• Zalo

Đã đến lúc HLV Miura dùng cầu thủ nhập tịch?

Thể thaoChủ Nhật, 02/08/2015 04:14:00 +07:00Google News

Thành tích kém cỏi của ĐT Việt Nam thời gian gần đây khiến không ít người có suy nghĩ rằng sao VFF lại không cho những ngôi sao nhập tịch một cơ hội.

Thành tích kém cỏi của ĐT Việt Nam thời gian gần đây khiến không ít người có suy nghĩ rằng sao VFF lại không cho những ngôi sao nhập tịch một cơ hội.

Sự nhút nhát của VFF

Phải nói rằng những thắc mắc về vấn đề cầu thủ nhập tích chưa bao giờ nguội đi. Cứ đến mỗi giải đấu lớn ở khu vực Đông Nam Á, những thắc mắc đó lại bùng lên nhưng chưa đủ lớn để khiến VFF phải có một sự chú tâm và giải thích nó một cách thực sự chính đáng. Không phải người hâm mộ bóng đá Việt Nam hời hợt với chuyện này mà chỉ bởi dường như những người xây dựng chiến lược phát triển bóng đá của VFF chẳng muốn nghĩ tới cái chuyện phát triển mà chỉ làm kiểu qua loa cho xong chuyện.
 Huỳnh Kesley Alves và Đinh Hoàng La
Ngoại binh nhập tịch và cơ hội lên tuyển, đó là vấn đề thực sự nghiêm túc mà VFF cần suy nghĩ lại. Họ đã từng trọng dụng nhưng rồi lại xóa bỏ, đã từng trao cho những “ông tây” đá ở V-League cơ hội lên tuyển nhưng rồi lại vùi dập không thương tiếc và có vẻ như vĩnh viễn không muốn khơi lại điều đó thêm một lần nào nữa. Cú phốt mang tên Phan Văn Santos hồi năm 2008 có lẽ đã khiến các quan chức của VFF chột và không còn muốn nhận lấy điều tiếng thêm một lần nào nữa. Thế nhưng không có sai lầm, sao có thành công.

Man United luôn cho rằng họ cực chuẩn xác trong việc lựa chọn người nhưng thực tế đã hớ không biết bao nhiêu vụ ví như Bebe, Kleberson, David Bellion, Johan Cruyff và ngay cả một ngôi sao lẫy lừng thiên hạ như Di Maria cũng bị xem là một cú phốt chuyển nhượng của đội bóng này. Nhìn sang Barca cũng thấy không ít những sai lầm tương tự và ngay cả một siêu sao, đội trưởng ĐT Thụy Điển như Ibrahimovic cũng bị xem là sai lầm của Barca...Thế thì một Phan Văn Santos có nghĩa lý gì mà sao VFF đã vội sợ hãi.

Nhập tịch không có nghĩa là người Việt?


Cứ mỗi đợt SEA Games, AFF Cup, người ta lại thấy các nước láng giềng trong khu vực ĐNÁ lại trình làng một loạt những gương mặt nhập tich mới. Philppines từ chỗ là đội tuyển yếu bậc nhất ĐNÁ giờ thành đối thủ cực khó chịu với bất kỳ đội bóng nào nhờ đội hình có tới quá nửa là cầu thủ nhập tịch từ khắp nơi trên thế giới. Indonesia cũng cho vài chú Brazil hay Nigeria khoác áo ĐTQG, Lào có viện binh từ Anh quốc và ngay cả Thái Lan hiện tại cũng có một cầu thủ chẳng có tý máu nguyên gốc Thái nào trong người là Tristan Đỗ. Singapore, Malaysia cũng chẳng nằm ngoài lề khi từ xa xưa họ đã có những cầu thủ nhập tịch đầy tên tuổi.
 Mạc Hồng Quân là sao Việt kiều hiếm hoi ở ĐTVN
Có lẽ Việt Nam là đội tuyển xịn nhất, gốc nhất và chuẩn máu nhất ở khu vực Đông Nam Á ở các giải đấu này. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là Mạc Hồng Quân nhưng dù mang danh Việt Kiều, tiền đạo này vẫn là người Việt chính hiệu và quê quán, anh, em, cô, dì, chú, bác vẫn còn ở Việt Nam. Với VFF, tìm nguồn hàng nội ở nước ngoài (Việt kiều) giờ đang được xem là phương án tối ưu hơn so với việc nghĩ tới những cầu thủ nhập tịch. Nhưng đó thực sự là một phương án đầy may rủi bởi lẽ nó cũng giống như việc đãi cát tìm vàng, chọn trong mấy chục người lấy được 1-2 người, Hồng Quân và Michael Nguyễn là những trường hợp hiếm hoi được thừa nhận.

Tìm sao giữa trời mưa hay hơn việc muốn là có

Rõ ràng so với việc cố công đi tìm các ngôi sao Việt kiều để tăng cường cho ĐTQG, việc tuyển quân từ nguồn cầu thủ nhập tịch có lẽ khả thi, dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Đó là điều rất rõ ràng bởi lẽ VFF và BHL của ĐT chẳng biết gì về các cầu thủ Việt kiều mà chỉ nghe qua những lời giới thiệu và tuyển chọn họ chỉ sau một vài buổi tập thử.

Đó là một cách làm rất mơ hồ và hiệu quả thu lại là cực thấp. Chẳng thế mà niềm tin ở Ludovic Casset, Toni Lê Hoàng hay Johnny Nguyễn đã trở thành tai họa của những nhà tuyển trạch.

Vậy thì tại sao cứ phải cố công đi vác kính viễn vọng đi tìm người mà không thấy ngay những nguồn cung cấp ngay trước mặt. Họ là những cầu thủ đã được kiểm định chất lượng, đã có sự hiểu biết về bóng đá Việt Nam, đã và đang ngấm dần dòng máu cũng như tinh thần Việt. Họ là những cầu thủ nhập tịch và cả những người đang phân vân xem nên nhập tịch để làm gì.
Hoàng Vũ Samson
 Hoàng Vũ Samson đá rất hay trong màu áo Hà Nội T&T (Ảnh: Quang Minh)
Có vẻ như theo quan điểm hiện tại của những quan chức VFF, nhập tịch không có chút nghĩa lý gì, tất cả chỉ là việc làm hình thức để giúp các CLB trong nước đủ điều kiện tăng cương nhân sự. Nếu như thế thì VFF coi thường luật lệ và cái gọi là quốc tịch Việt Nam quá.

Không chỉ vậy, VFF còn nghĩ một đằng làm một nẻo. Chẳng đâu xa, chỉ mới đây thôi trong đợt trao giải QBV Việt Nam, tiền đạo nhập tịch Hoàng Vũ Samson cũng có tên trong danh sách đề cử. Nếu không xem cái mác nhập tịch là gì thì tạo sao lại điền tên chân sút của HN.T&T này vào danh sách. Nếu như cho rằng đó là việc làm chính xác thì tại sao lại không cho ngôi sao này cơ hội khoác áo tuyển như một cầu thủ nội bình thường?

Cái sự mâu thuẫn và rối rắm ấy đúng như cái sự rối rắm của những nhà làm bóng đá hiện tại của VFF. Có lẽ họ chẳng biết mình đang hướng tới cái gì và đạt được mục tiêu như thế nào. Đã có một lối đi sẵn thì cứ thế mà đi thôi, đang đi bằng xe máy cũng tốt rồi thì cũng chẳng cần thử sang ô tô làm gì. ĐT Việt Nam đang rất yếu về thực lực, đang tụt lùi so với sự phát triển của các nước bạn trong khu vực.

Những cầu thủ nhập tịch chất lượng như Hoàng Vũ Samson (HN.T&T), Hoàng Max (Than QN), Quốc Thiện Esele (thủ môn cực hay của B.BD), Lê Văn Tân (Thanh Hóa)...hoàn toàn có thể giúp chúng ta thay đổi. Hay bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều cầu thủ ngoại chất lượng khác đang phân vân giữa chuyện nhập hay không nhập tịch như Nsi, Fagan, Uche, Patiyo... Nếu có được một sự đảm bảo về cơ hội khoác áo tuyển, dám cá 100% số cầu thủ này đều sẵn sàng trở thành nội binh.

VFF đã làm gì để cân bằng trong câu chuyện này, giữa những thắc mắc chính đáng của dư luận? Câu trả lời là chẳng làm gì cả, không gọi vì không thích những “ông tây” trên tuyển và sợ bị chê thêm một lần nữa vậy thôi. Công bằng và vì bóng đá ư, điều đó có đúng không?

Nguồn: Thể thao Việt Nam
Bình luận
vtcnews.vn