• Zalo

Đả cẩu bổng pháp: Tuyệt kỹ võ học ra đời từ nỗi sợ chó cắn

Thể thaoThứ Năm, 15/02/2018 07:00:00 +07:00Google News

Đả cẩu bổng pháp là một trong hai bí kíp trấn phái của Cái Bang cùng với Hàng long thập bát chưởng trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.

Từ nỗi sợ chó cắn trong dân gian

Đả cẩu bổng pháp có nghĩa là dùng gậy trúc để đánh ác cẩu, thế nên khi các nhân vật Cái Bang đi hành khất, họ thường mang theo một cây đả cẩu bổng, phòng khi chó dữ tấn công. Từ kinh nghiệm thực tế đánh ác cẩu mà đúc kết thành bí kíp.

Hong That Cong 3

Hồng Thất Công được xem là nhân vật nâng tầm Đả cẩu bổng pháp lên hàng uy trấn võ lâm.  

Theo truyền thuyết còn lưu lại trong dân gian Trung Quốc vào thời Bắc Tống, có một tên địa chủ giàu có nhưng rất keo kiệt tên là Vương Toán. Một lần, có người ăn xin tới gõ cửa gia phủ của Vương Toán để cầu thực, Vương Toán vốn không có ý cho đồ, ngược lại còn muốn đuổi người ăn xin đi. Nhưng do trong nhà đang tiếp khách quý nên Vương Toán muốn tỏ ra là một người tốt bụng. Hắn liền nghĩ tới một kế, bảo gia nhân mời người ăn mày vào trong phủ, lấy cơm thừa của chó bố thí rồi đóng cửa thả chó.

Dĩ nhiên sau đó người ăn mày đáng thương không những không nhận được chút đồ ăn nào mà còn bị đám chó nhà Vương Toán hành cho một trận tơi tả.

Nuôi hận trong lòng, người ăn mày đó đã tự dùng cây gậy của chính mình và sáng tạo ra những thế đòn chống trả lại loài chó, tiếp đến ông đặt tên cho nó là “Đả cẩu bổng pháp” và phổ biến võ công này cho những huynh đệ cùng cảnh hành khất như mình. Mục đích của bộ võ công cốt dùng để trị đám chó dại hay cắn xằng, đặc biệt là những kẻ giàu tiền nhưng tâm tà ác như lão địa chủ Vương Toán.

Đến tuyệt kỹ Cái Bang trong tiểu thuyết Kim Dung

Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, Đả cẩu bổng pháp là một loại côn pháp chí cao, gồm 36 đường đánh rất nhanh nhẹn, linh động, tùy cơ ứng biến.

Môn võ này theo kiến giải của Kim Dung do sư tổ của Cái Bang sáng tạo nên, được những người bang chủ tiền nhiệm truyền cho bang chủ đời sau và quyết không truyền cho người thứ hai.

Đến bang chủ đời thứ ba của Cái Bang võ công so với sư tổ còn cao siêu hơn, ông ta đã thêm vào những đường đánh của Đả cẩu bổng vô số chiêu pháp kì diệu biến hóa.

Tuy nổi tiếng từ lâu nhưng phải đến đời Hồng Thất Công, bang chủ thứ 18 của Cái Bang, loại côn pháp này mới thật sự uy trấn võ lâm.

Đến đời Hoàng Dung, con gái của Đông Tà Hoàng Dược Sư, Đả cẩu bổng pháp mới được các nhân sĩ biết đến rộng rãi. Hoàng Dung cũng là nữ bang chủ duy nhất của Cái Bang.

Hoang Dung

 Nhân vật Hoàng Dung, nữ bang chủ duy nhất của Cái Bang.

Ngoài Hồng Thất Công và Hoàng Dung, còn có Tống Nguyên Ân (trưởng lão đời thứ 12 của Cái Bang) được xem là cao thủ Đả cẩu bổng pháp.

Một nhân vật nữa cũng sử dụng thành thạo Đả cẩu bổng pháp là Dương Quá. Đây cũng là nhân vật duy nhất không phải là bang chủ nhưng vẫn được Hồng Thất Công truyền dạy.

Đả cẩu bổng được xem như một tín vật của Cái Bang, thấy Đả cẩu bổng như thấy bang chủ, thân bổng màu xanh, trơn tru, bóng nhẵn, khi dùng cùng với Đả cẩu bổng pháp thì sức mạnh nhân lên gấp bội.

Thiện An
Bình luận
vtcnews.vn