Theo bác sỹ chuyên khoa II da liễu Lê Thị Chi Phương, Tết đến là dịp mà nhiều người phải tìm gặp bác sỹ để tư vấn về cách chăm sóc và điều trị bệnh về da, đặc biệt là tình trạng mụn trứng cá kéo dài, gây mất tự tin khi giao tiếp, khó khăn trong chăm sóc da hàng ngày.
Mụn trứng cá là bệnh ngoài da thường gặp ở giới trẻ, xuất hiện nhiều ở vùng mặt, ngực và lưng. Đây là những vùng da tương đối dễ bị nổi mụn, nếu không điều trị kịp thời một cách hiệu quả hoặc chăm sóc không đúng cách có thể để lại vết thâm, bệnh tái phát nhiều lần khiến da sần sùi, lồi lõm... ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt, gây mất tự tin.
Vì vậy, bệnh nhân khi bị mụn, ngoài việc điều trị tích cực với bác sỹ, còn phải lưu ý về chế độ ăn uống và làm sạch da, tránh để tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Áp dụng chế độ ăn thanh đạm, giảm thức ăn cay
Những người có làn da nhiều mụn nên ăn càng thanh đạm càng tốt, các loại rau và trái cây giàu xenlulo là sự lựa chọn tốt. Rau cần tây, rau bina, táo, chuối… có thể tăng tốc nhu động của đường tiêu hóa, tránh các chất cặn bã trong quá trình trao đổi chất bị ứ đọng khiến bệnh trở nên khó chữa hơn.
Đồng thời, bạn nên tránh ăn đồ cay nóng, dễ gây kích ứng như hành sống, tỏi sống, nếu không bệnh sẽ trầm trọng hơn do nội tiết tố androgen và tuyến bã tiết ra quá nhiều.
Ăn ít thực phẩm giàu chất béo và đường
Thực phẩm có hàm lượng chất béo cao hoặc hàm lượng đường cao sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ hơn, từ đó khiến bã nhờn tiết ra nhiều hơn trên bề mặt da, làm tình trạng mụn thêm trầm trọng.
Do yếu tố này, bác sỹ khuyên bạn nên hạn chế ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo và đồ ngọt, ví dụ như thịt mỡ, món ăn chiên rán, bánh kẹo ngọt… Khi bạn lạm dụng thực phẩm nhóm này sẽ làm bệnh nặng thêm. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế các đồ ăn có vị tanh như tôm, cua, thịt dê...
Ă nhiều thực phẩm tác dụng thanh nhiệt
Đa số người bị mụn là người thể nhiệt, cơ thể nóng trong, do đó bạn nên ăn nhiều thức ăn có tác dụng thanh nhiệt như mướp đắng, bí xanh, cà chua, lê… Đồng thời chú ý bổ sung đầy đủ nước, giúp khôi phục quá trình trao đổi chất của da trở lại bình thường, đồng thời có thể hỗ trợ cơ thể bài tiết chất thải trao đổi chất nhanh hơn, góp phần cải thiện kết quả của việc điều trị mụn.
Bổ sung hợp lý vitamin và nguyên tố vi lượng
Vitamin và các nguyên tố vi lượng là những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, và làn da cũng không ngoại lệ. Ví dụ như vitamin A có thể tăng cường quá trình trao đổi chất của tế bào biểu mô, tránh sự sừng hóa quá mức của tế bào và nang lông, tránh các chất chuyển hóa có tính axit trên bề mặt da, có thể gây kích ứng bất lợi và ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của làn da bị mụn. Bạn có thể ăn nấm kim châm, cà rốt… là những lựa chọn tốt.
Làm sạch da mặt và sử dụng mỹ phẩm đúng cách
Ngoài việc đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống, lựa chọn mỹ phẩm phù hợp, người có làn da bị mụn trứng cá cũng nên chú ý đến việc làm sạch da mặt.
Mặc dù bệnh này liên quan đến việc tuyến bã nhờn tiết ra quá nhiều gây bít tắc lỗ chân lông, sinh ra mụn, nhưng không nên sử dụng các sản phẩm có độ tẩy rửa mạnh như các sản phẩm có tính kiềm. Điều này sẽ gây kích ứng da, làm trầm trọng thêm cảm giác khó chịu, thậm chí có thể làm bệnh nặng hơn hoặc gây ra các vấn đề về da khác.
Bạn cũng không nên rửa mặt nhiều lần trong ngày, tốt nhất là chỉ rửa ngày hai lần vào vào buổi sáng và buổi tối.
Chăm sóc làn da bị mụn là việc không đơn giản, do vậy, không chỉ phải chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, lựa chọn mỹ phẩm, mà còn phải đặc biệt chú ý đến cách vệ sinh da mặt, ngăn ngừa tình trạng bị mụn tái phát dài ngày.
Bình luận