• Zalo

Cựu tử tù 14 năm tại Côn Đảo: Mối tình ly kỳ và cuộc đoàn tụ tháng 5

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 23/08/2017 11:26:00 +07:00Google News

Xa cách nhau 15 năm, 15 năm lao tù với máu và nước mắt đã dệt nên một tình yêu cảm động trong sự tàn khốc của chiến tranh.

Trong không gian ấm cúng của căn phòng nhỏ, cựu tử tù Lê Hồng Tư nheo đôi mắt già nua lật lại ký ức cách đây hơn nửa thế kỷ.

Đối với ông, điều để ông luôn cười hạnh phúc mỗi khi nhắc tới những năm tháng đạn bom, đó là mối tình ly kỳ và cuộc đoàn tụ tháng 5 với người vợ "đầu ấp tay gối", là bà Nguyễn Thị Châu (SN 1938), nữ cộng sản trung kiên trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định ngày ấy.

Kể về thời khắc "định mệnh" ấy, đôi mắt của cựu tử tù lại ánh lên với nụ cười đầy hạnh phúc. Đầu năm 1957, Lê Hồng Tư là công nhân hỏa xa, từng tham gia đánh úp chính quyền Sài Gòn nhiều lần, suýt bị lộ nên được tổ chức bố trí cho đi học lớp đề tam ở trường Văn Lang.

Video: Cựu tử tù Lê Hồng Tư kể về mối tình ly kỳ và cuộc đoàn tụ tháng 5 với vợ mình

Với học lực khá, Lê Hồng Tư được giữ cương vị cán bộ lớp. Tại lớp học ấy, ông gặp được "nửa còn lại" của đời mình. Đó là lần cô Châu đến xin đăng ký vào lớp đại số học.

Mối tình ly kỳ của người tử tù

Ngày ấy, bà Châu xuất thân trong một gia đình lao động nghèo ở tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai ngày nay). Ấn tượng của ông về lần đầu tiên gặp bà, đó là cô gái có mái tóc dài thướt tha, làn da trắng, với cách ăn nói nhẹ nhàng, lễ phép khiến con tim ông loạn nhịp.

Nhớ về cái chạm mặt đầu tiên, ông cười hạnh phúc: "Ngay lần đầu tiên gặp mặt ấy, tôi biết mình đã phải lòng Châu, tôi tận tình chỉ dẫn cho Châu từ làm thủ tục nhập học cho đến cả việc sắp xếp chỗ ngồi. Nhờ sự trợ giúp của tôi và sự thông minh sẵn có, Châu nhanh chóng hòa nhập với bạn bè và  trở thành thành viên nòng cốt của phong trào học sinh, sinh viên ngày ấy. 

4dfceeea-e8fc-4b6e-8cf7-bb058dc375a9 11

 Cựu tử tù chính trị Lê Hồng Tư năm 1975.

Tôi bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt cho Châu, đề bạt cô làm lớp phó để chỉ dẫn, giảng bài cho các bạn học yếu hơn. Trong một lần đích thân tìm đến chỗ trọ của Châu xem cô sinh sống ra sao, chứng kiến cảnh cô tá túc trong một ngôi miếu xập xệ nhưng vẫn chăm chỉ làm bài, tự nhiên tôi cảm thấy xót xa đến lạ".

Và rồi, hình ảnh cô Châu cứ thế khắc sâu trong tâm trí anh cán bộ lớp. Anh bỏ tiền túi và vận động các bạn có gia cảnh khá thuê cho Châu nơi ở sáng sủa hơn. Thế là Châu được tạo điều kiện ở với hai cô bạn cùng lớp.

Tình yêu đơn phương của anh ngày một lớn dần, anh tới chỗ trọ của Châu thường xuyên hơn. Anh tìm hiểu gia cảnh của Châu ở Biên Hòa và dành thời gian xuống nhà Châu chơi. Nhờ khiếu ăn nói và biết cách lấy lòng người lớn, anh cán bộ lớp ngày ấy nhanh chóng được gia đình Châu quý mến.

20170724_025915-6-2018177 14

Ảnh chân dung bà Châu (internet) 

Khoảng một năm sau, phong trào học sinh, sinh viên dâng cao, tổ chức yêu cầu anh Tư phải rút đi gấp, còn Châu phải chấp nhận ở lại lớp làm nhiệm vụ vận động các sinh viên khác tham gia vào tổ chức. Dù biết ngày mai hai người sẽ ít có cơ hội gặp lại nhưng anh Tư không dám tỏ tình, còn Châu vẫn dửng dưng với anh.

Thấy vậy, một người chị trong tổ chức đã khuyên anh Tư: "Thương mà không bày tỏ thì mất đấy". Nghe lời khuyên, anh Tư đến chỗ Châu chơi và lấy hết can đảm bày tỏ tình cảm của mình:

"Tư có yêu một cô gái, tuy gia cảnh khó khăn nhưng tính nết rất hiền dịu, lễ phép, lại cùng chí hướng với Tư. Theo Châu người đó có thích hợp với Tư không?". Vừa nghe xong, Châu đã thốt lên: "Vậy thì tốt quá rồi, cô ấy là ai?" Lúc này, anh cán bộ lớp mới rụt rè: "Đó chính là Châu".

img6872_zhrd 10

Toà án quân sự đặc biệt kết án tử hình 4 chiến sĩ cộng sản.

Tuy nhiên, sau lời tỏ tình ấy, anh Tư lại nhận được câu trả lời đau lòng của cô Châu: "Tôi không có ý định lập gia đình, tôi còn phải đi làm để nuôi các em nhỏ. Anh tìm đối tượng khác đi". Lần đầu tiên tỏ tình nhưng bị từ chối tình cảm, lòng anh Tư quặn thắt nhưng vẫn không từ bỏ ý định có được tình cảm của Châu.

Vài ngày sau, chiến tranh ác liệt nổ lên, hai người vẫn thường xuyên gặp nhau trao đổi công việc, truyền tin. Trong một lần gặp, Tư lại hỏi: “Tình cảm của Châu có gì mới không?”. Châu vẫn lắc đầu, dường như trái tim cô vẫn đóng chặt, không có ý định khuất phục trước tình cảm của Tư.

Khoảng 6 tháng, Tư lại hỏi Châu một lần, tuy nhiên tình cảm của Châu dường như vẫn không biến chuyển. Ngày anh tiễn cô ra bến xe về lại trường, lúc xe chuẩn bị lăn bánh, không dấu nổi tình cảm anh vội hét lên: "Nếu tồn tại trên cõi đời này, Tư sẽ không từ bỏ ý định kết hôn với Châu". Tuy nhiên, cô vẫn giữ thái độ im lặng và quay mặt đi như không nghe thấy gì.

chu hanh (2) 12

Nguyễn Thị Châu năm 1975 tại nơi cô từng bị giam giữ trước ngày Sài Gòn giải phóng.

Cuộc đoàn tụ tháng 5

Sau lần gặp cuối tại bến xe và bị Châu dửng dưng với tình cảm, tưởng chừng Tư sẽ bỏ cuộc. Song, tình cảm anh dành cho người con gái gốc Biên Hòa vẫn son sắt, thủy chung. Anh tự nhủ với mình rằng, ngày đất nước thống nhất sẽ tiếp tục đi tìm Châu để cầu hôn.

Về với tổ chức, anh bị cuốn vào những ngày chiến đấu, mưu sát địch bằng những quả tạc đạn. Đầu năm 1961, sỹ quan Mỹ qua Việt Nam để chuẩn bị chiến tranh, báo chí Mỹ lại đưa tin là quân đội Mỹ chỉ qua để dạo phố Sài Gòn. Vì thế, Tư và tổ chức rất tức tối, nên đã đã tự tổ chức võ trang, gọi là đội quốc tử.

Đánh trận đầu tiên diệt được Đại tá Mỹ, trận thứ 2 diệt được một số sỹ quan và cấp úy, trận thứ 3 đánh xe đại sứ Mỹ. Tuy nhiên, trong trận thứ 3, khi ném vào xe đại sứ Mỹ thì tự nhiên tạc đạn lại không nổ, Tư và đồng đội bị bắt giam. Những ngày tháng trong lao tù anh và đồng đội bị tra tấn dã man đến thừa sống thiếu chết. 

3sd_2 13

 Đám cưới của tử tù chính trị Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu tháng 9/1975.

Ngày 23/5/1962, Tư bị tòa án chính quyền Sài Gòn kết án tử hình. Cùng thời điểm đó, Châu cũng đang bị địch bắt giam vì bị lộ trong lúc tuyên truyền, vận động.

Đang ngồi trong phòng biệt giam, Châu nhận được tin tòa vừa xử 4 án tử hình gồm: Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Phạm Văn Dẩu và Lê Văn Thành. Hay tin, tự dưng mắt Châu đẫm lệ, như có điều gi thôi thúc, cô tự động báo với Chi bộ tù nhân: "Tử tù Lê Hồng Tư là vị hôn phu của tôi".

Thấy vậy, nhiều tù binh khác liền chia buồn với hạnh phúc thương đau của Châu. Tuy nhiên, cũng không ít người dò hỏi Châu tại sao lúc Tư tỏ tình không đồng ý, mà giờ lại nhận là vị hôn phu?

Lúc này, Châu mới gạt nước mắt đáp: "Vì ngày đó gia cảnh nghèo, các em còn nhỏ, tôi nào dám mơ đến hạnh phúc của mình". Nhưng sau những ngày làm việc với anh Tư, tôi đã hiểu ra tấm lòng của anh ấy. Giờ anh Tư sắp lìa đời mà vẫn trong tâm trạng chờ đợi một tình yêu nên tôi đã quyết định nói ra tình cảm thật của mình". Nếu sau này tôi còn sống, tôi sẽ ở vậy để vẹn tròn nghĩa tình với anh ấy. Châu xin cậy nhờ mọi người chuyển lời này đến anh Tư".

ALIAS_SITE-nhung-chuyen-tinh-thoi-chien-hen-uoc-khong-loi-25-07-2017-07-01-56 8

Tử tù chính trị Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu trong ngày lễ tuyên hôn.

“Tại nhà giam Côn Đảo, tôi không hề biết Châu đã chấp nhận lời cầu hôn của tôi. Sau này gặp anh Hai Tân trong chuồng cọp Côn Đảo, anh hỏi tôi: “Có phải anh quen Châu không?”, tôi rất ngạc nhiên và gật đầu. Thế là anh Hai Tân sáng tác một bài thơ tặng tôi, tôi rất xúc động khi biết Châu đã chấp nhận lời tỏ tình của tôi ngay sau khi nghe tin tôi bị kết án tử hình:

"Anh ngỏ ý lần đầu/ Em ngập ngừng từ chối/ Trong lòng nghe vời vợi/ Biết nói sao cho cùng/ Đời cách mạng lao lung/ Miền Nam còn đau khổ/ Hỏi nữa, em làm thinh/ Giặc xử anh tử hình/ Trong xà lim em khóc/ Giận quân thù ác độc/ Em nói: Em vợ anh/ Anh ơi em vẫn tin/ Anh sống hoài, sống mãi/ Mặc cho án tử hình/ Em vẫn đợi anh về”.

Từ khi biết tin Châu chấp nhận tình cảm, tử tù Lê Hồng Tư như được tiếp thêm sức mạnh, kiên cường hơn trong chốn ngục tù.

IMG_4097 3

Cựu tử tù chính trị Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu trong cuộc sống gia đình hiện tại.

Sau gần 15 năm chịu cầm cố và tù đày tại Côn Đảo, ngày 30/4/1975, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Ngày 7/5/1975, Lê Hồng Tư cùng những người tử tù Côn Đảo đầu tiên đã được đưa trở về đất liền.

Ngày trở về đất liền là ngày đón chào tự do, thống nhất và cũng chính là giây phút anh được gặp lại người con gái mà mình mong ước được sống trọn đời sau 15 năm chờ đợi. Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu đã đến với nhau như lời hẹn ước khi còn tuổi học trò cho đến khi thành hôn họ bước vào tuổi 40. Đám cưới của họ được tổ chức đơn giản vào một đêm trung thu năm 1975.

Những người cùng chung cảnh ngộ trước đây nghe tin Tư và Châu lấy nhau đã rủ nhau đến dự đám cưới. Đám cưới gia đình chỉ mời 200 khách, nhưng đến tham dự tới 600 khách. Kỳ diệu hơn, sau 2 năm đám cưới, hai người đã hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh, mà trước đó nhiều bác sĩ tiên định rằng họ sẽ rất khó có con bởi cả hai đều đã trải qua nhiều năm tháng tù đày khắc nghiệt.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn