"Xuất ngoại" không phải khái niệm mới mẻ với bóng đá Việt Nam. Trong quá khứ, những cựu cầu thủ tên tuổi như Lê Huỳnh Đức, Lương Trung Tuấn, Nguyễn Việt Thắng hay Lê Công Vinh từng sang những đội bóng tại Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản để chứng tỏ tài năng. Cách đây bốn năm, bầu Đức cũng để lứa "gà nòi" của mình được sang Nhật Bản, Hàn Quốc chơi bóng, trong đó có Xuân Trường (Incheon United, Gangwon FC), Công Phượng (Mito Hollyhock) hay Tuấn Anh (Yokohama FC).
Tuy nhiên, hầu hết các chuyến xuất ngoại đều chỉ mang ý nghĩa học hỏi, làm hình ảnh hay ngoại giao, thay vì mục đích chuyên môn thuần tuý. Chỉ đến khi bóng đá Việt Nam thành công rực rỡ ở cấp độ U23 và ĐTQG, các cầu thủ Việt Nam mới được nhìn nhận với vị thế khác. Theo cựu trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang Seo, ông Lê Huy Khoa, các cầu thủ phải đi, dũng cảm đi để lấy những trải nghiệm ở những nước có nền bóng đá phát triển, bởi cơ hội không phải lúc nào cũng đến.
"Để thành công, con người cần phải có chỉ số thông minh IQ, chỉ số cảm xúc EQ, chỉ số sáng tạo CQ và bây giờ đã xuất hiện chỉ số mới: chỉ số toàn cầu hóa. Chỉ số này được bao hàm gồm bởi các khá năng hoà nhập: ngoại ngữ, kinh nghiệm quốc tế, tri thức toàn cầu, mối quan hệ và tầm nhìn.
Sau World Cup 2002, hàng loạt cầu thủ Hàn Quốc đã ra nước ngoài thi đấu và đó chính là động lực to lớn nhất để đưa bóng đá và hình ảnh của đất nước Hàn Quốc ra thế giới rộng rãi và toàn diện hơn. Nguồn thu ngoại tệ là một lợi ích, thu nhập của cầu thủ là một lợi ích, quảng bá hình ảnh cho đất nước là một lợi ích, trình độ HLV và cầu thủ Hàn Quốc được nâng cao và họ là cầu nối để đưa bóng đá Hàn Quốc tiến gần đến bóng đá thế giới.
Sau vòng chung kết U23 và gần đây là Asian Cup thì đây là cơ hội không thể tốt hơn để Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Văn Hậu, Văn Đức, Xuân Mạnh và hàng loạt cầu thủ của chúng ta tiến ra nước ngoài và nếu không tận dụng cơ hội này thì sẽ rất uổng phí. Nhìn Trung Quốc đầu tư hàng tỉ USD vào bóng đá, nhưng kết quả vẫn bê bết bởi vì gần như toàn bộ cầu thủ của họ đều thi đấu trong nước.
Tin vui là Công Phượng sẽ ra nước ngoài thi đấu và tôi tin đây sẽ là một bước đột phá mới trong sự nghiệp của Phượng, và đây cũng chính là điều HLV Park Hang Seo và trợ lý Lee Young Jin rất mong muốn, luôn dặn dò các cầu thủ chúng ta chuẩn bị sẵn tinh thần để bước ra sân chơi thế giới" - ông Lê Huy Khoa chia sẻ.
Từng cộng tác cùng bóng đá Việt Nam trong vai trò trợ lý ngôn ngữ và rất hiểu biết về bóng đá cũng như văn hoá Hàn Quốc, Nhật Bản, cựu trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa cho rằng các cầu thủ Việt Nam có thể học được nhiều điều ở nước bạn. Những điều không có trong sách vở và không chỉ nằm gọn trong khuôn khổ bóng đá.
"Đi đâu, chứ cứ đi Nhật Bản và Hàn Quốc thì không thành công cũng thành người. Cái văn hóa cạnh tranh khốc liệt, tính hiệu quả trong công việc, cái tôn ti trật tự và kỷ luật của đất nước này sẽ giúp các bạn ấy mở rộng tầm mắt, học hỏi rất nhiều điều và những điều các bạn ấy có được sẽ là tài sản rất quý của bóng đá Việt Nam torng vòng 20 năm tới.
Phượng và Trường đều thừa nhận rằng một năm thi đấu ở nước ngoài trước đây là tài sản lớn của cuộc đời các cậu ấy và các cậu vẫn rất khát khao để ra nước ngoài thi đấu.
Với Trường tuy thiệt thòi vì ít được thi đấu nhưng học hỏi cách nhìn nhận, đánh giá, cách vận hành, tổ chức, tầm nhìn một đội bóng đã giúp Trường trở thành một thủ lĩnh thực sự, rất chững chạc khi quay về thi đấu ở trong nước. Còn với Phượng, kể cả là phát tờ rơi thì Phượng cũng đã hiểu rằng nghề nào cũng cao quý, phải trân quý cái mình đang có và phải nhiệt huyết với nghề.
Hỡi các bạn trẻ, nếu có cơ hội thì hãy đi ra nước ngoài, tuyệt đối từng quanh quẩn cối xay" - ông Lê Huy Khoa khẳng định.
Cựu trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa cũng khuyên các cầu thủ noi gương HLV Park Hang Seo - người có chuyến xuất ngoại ở tuổi 59 và là minh chứng cho câu nói "không bao giờ là muộn".
"Trong gần 200 ngàn kiều dân của Hàn quốc đang ở Việt Nam thì rất nhiều người đã vào tuổi xế chiều, họ ra đi để tìm kiếm cơ hội, tìm một cuộc đời mới. Nói đâu xa, ông Park Hang Seo năm nay đã 60 tuổi, đàn ông Việt mà 60 tuổi thì đa số, theo quan điểm của người Việt là nghỉ ngơi, đùm túm con cháu bạn bè, thế mà người Hàn Quốc còn đi ra nước ngoài để tìm cơ hội mới, làm lại cuộc đời và đã thành công thì thì lý do gì chúng ta còn rất trẻ lại không đi?
Bản chất cuộc sống là trải nghiệm, thì lý do gì lại không đi nhỉ? Cứ đi và thử nghiệm như ông Park ấy xem sao. Đi thôi Nguyễn Công Phượng và hàng ngàn Công Phượng khác, cuộc sống mới như chơi một bản nhạc, ban đầu thì lạ lẫm, nhưng khi quen thì rất thú vị" - ông Lê Huy Khoa dí dỏm so sánh.
Bình luận