Dự kiến ngày 27/12, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội sẽ đưa 7 bị cáo, trong đó có 4 cựu sĩ quan quân đội, ra xét xử liên quan vụ án Việt Á.
Trong các bị cáo có 2 người bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ và cựu Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y.
3 cựu sĩ quan Học viện Quân y bị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là cựu Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng phòng Trang bị Vật tư; cựu Thiếu tá Ngô Anh Tuấn, Trưởng phòng Tài chính; cựu Thiếu tá Lê Trường Minh, Trưởng ban Hóa dược.
Theo cáo trạng, do vụ lợi cá nhân nên Trịnh Thanh Hùng đã thông đồng với Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Hồ Anh Sơn để đưa Công ty Việt Á vào tham gia đề tài với vai trò là cơ quan phối hợp, sản xuất thử nghiệm 20.000 kit test COVID-19 và sau đó để Việt Á được cấp phép, sản xuất thương mại trái pháp luật bộ kit.
Cáo trạng xác định, Hồ Anh Sơn là người lợi dụng chức vụ quyền hạn, vụ lợi cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và là người thực hành tích cực. Ngoài ra, bị cáo Sơn còn bị cáo buộc là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vụ lợi cá nhân trong việc mua, bán tăm bông, ống môi trường dán nhãn Viện nghiên cứu y dược học Quân sự, Học viện Quân y và cung cấp cho Việt Á để bán cho các cơ quan, tổ chức sử dụng phòng chống dịch. Qua đó, cựu Thượng tá Hồ Anh Sơn được hưởng lợi trái phép hơn 2,1 tỷ đồng.
Cụ thể, khi mua các vật tư y tế, Sơn đã nhờ nhân viên cấp dưới và một số sinh viên thực tập tại Viện Nghiên cứu y dược học Quân sự pha chế các dung dịch vào ống Fancol (ống môi trường, có tác dụng bảo quản mẫu bệnh phẩm chứa virus SARS-CoV-2).
Để hợp thức nguồn gốc cho các vật tư này tiêu thụ trên thị trường, Sơn đã trực tiếp in các tem có logo của Viện Nghiên cứu y dược học Quân sự rồi nhờ người dán lên ống môi trường. Mục đích của việc này là thể hiện đây là hàng của Học viện Quân y.
Sau đó, Sơn nhờ người xếp vào thùng xốp rồi bàn giao cho nhân viên của Việt Á. Trong mỗi thùng xốp, Sơn có để một tờ giấy hướng dẫn sử dụng có chữ Viện Nghiên cứu y dược học Quân sự, Học viện Quân y.
Tổng số vật tư y tế Sơn đã cung cấp cho Việt Á từ tháng 7/2020 đến tháng 3/2021 là hơn 103.000 ống môi trường; 87.000 tăm bông cứng và 571.000 tăm bông mềm. Trong số này có hơn 65.000 ống môi trường dán tem in logo Viện Nghiên cứu y dược học Quân sự, Học viện Quân y và hơn 35.000 bộ lấy mẫu.
Sau khi tiếp nhận số vật tư có dán tem in hình logo trên, Công ty Việt Á đã ký hợp đồng bán và cho mượn hàng đối với các đơn vị như Phòng y tế thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng...
Tổng số tiền thu được sau khi Việt Á bán 100.152 ống môi trường, hơn 35.000 que tăm bông cứng, hơn 35.000 que tăm bông mềm cho các đơn vị trên là hơn 3,6 tỷ đồng. Sau khi trừ 15% tiền thuế giá trị gia tăng và phí hóa đơn, từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2021, Việt Á đã thanh toán chuyển khoản trả tiền vào tài khoản của Sơn số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2021, Công ty Việt Á đã chuyển khoản cho Sơn 6 lần, với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Trong số tiền này có hơn 3,1 tỷ đồng tiền bán tăm bông, ống môi trường; 400 triệu đồng tiền giải thưởng Bảo Sơn (Việt tự nguyện cho Sơn), 58 triệu đồng tiền Công ty Việt Á cho Sơn vì đã hỗ trợ xét nghiệm. Số tiền còn lại là tiền tăm bông, ống môi trường nhưng không gắn nhãn hiệu Viện Nghiên cứu y dược Quân sự/ Học viện Quân y.
Trước đó, Hồ Anh Sơn đã chi tiền mua vật tư, trả công cho nhân viên và một số sinh viên thực tập... Từ đó, cáo trạng xác định Hồ Anh Sơn được hưởng lợi bất chính hơn 2,1 tỷ đồng qua việc bán tăm bông, ống nghiệm môi trường gắn nhãn Viện nghiên cứu y dược học Quân sự, Học viện Quân y.
Bình luận