(VTC News)- PGS-TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất thời gian học bậc học THPT chỉ cần 11 năm giúp học sinh tiết kiệm được thời gian và chi phí học tập.
Để thực hiện được tốt nội dung đổi mới "căn bản và toàn diện" theo đúng tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng, VTC News tiếp tục thực hiện chuyên đề cấu trúc lại nền giáo dục Việt Nam.
Sau bài viết của TS kinh tế Lương Hoài Nam góp ý việc Việt Nam nên chọn lựa mô hình giáo dục Anh để học tập, tòa soạn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề xuất giáo dục phổ thông chỉ nên kéo dài 11 năm.
PGS- TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân với 11 năm |
Tôi đã nghiên cứu các văn bản về Đề án xây dựng, triển khai chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trình lên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội để trình Quốc hội xin Nghị quyết thực hiện. Sau khi đọc các văn bản trên tôi xin có một số ý kiến sau đây:
Việc đổi mới giáo dục – đào tạo phải tiến hành theo thứ tự logic: đầu tiên phải xác định hệ thống giáo dục theo hướng đổi mới, hệ thống giáo dục hiện nay đang còn tồn tại nhiều nhược điểm cần khắc phục, ví dụ thời gian học ở các bậc học nhất là bậc THPT, cần 3 năm như hiện nay hay chỉ cần 2 năm, việc phân luồng, phân ban theo tỷ lệ cơ cấu như thế nào, sự liên thông giữa các bậc học, các loại trường.v.v..
Sau khi xác định rõ cơ cấu hệ thống giáo dục thì sẽ tiến hành xây dựng được chương trình sách giáo khoa – đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, tổ chức đánh giá thi cử ở cuối các bậc học…
Trong điều kiện hiện nay ta phải vừa xếp hàng vừa chạy, nhưng có nhiều việc không thể đảo lộn được. Khi chưa rõ cơ cấu hệ thống giáo dục thì không thể làm chương trình được.
Chính vì vậy, cần phải trình Quốc hội ban hành Nghị quyết đồng thời về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và phê duyệt đề án đổi mới chương trình và viết sách giáo khoa chương trình phổ thông phải phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong đề án của Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch học tập ở cấp THCS và THPT chỉ học có 1 buổi/ngày, như vậy là trái với chủ trương lâu nay đang phấn đấu cho 2 cấp học này cần được học 2 buổi/ngày.
Hiện nay 2 cấp học này đã đủ cơ sở vật chất học 2 buổi/ngày đạt đến 60-70%. Nếu chuyển được 2 cấp học này học được 2 buổi/ngày thì mới có thì giờ tăng cường thực hành, tăng cường được việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, mới phát huy tốt năng lực của thế hệ trẻ.
Đề xuất hệ thống giáo dục phổ thông chỉ còn 11 năm sẽ đem lại nhiều lợi ích cho học sinh |
Trong đề án việc phân ban ở bậc THPT chỉ chia có 2 ban tự nhiên và xã hội. Theo tôi, ít nhất phải có thêm ban kinh tế. Số học sinh mong muốn học về các ngành kinh tế và nhu cầu xã hội về lĩnh vực này ít nhất cũng đền hơn 30% người lao động.
Thời gian học ở bậc THPT có cần đến 3 năm hay chỉ 2 năm là đủ. Mặc dầu trong Nghị quyết 29 vẫn ghi trước mắt giữ hệ thống giáo dục như hiện nay nghĩa là bậc THPT là 3 năm. Trước mắt nên xác định là bao nhiêu năm. Đề án đổi mới chương trình để phục vụ mục tiêu lâu dài chứ đâu phải phục vụ cho trước mắt. Theo ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục thì thời gian học ở bậc THPT chỉ cần 2 năm là đủ.
Nước ta là nước yếu về ngoại ngữ, vậy tại sao ngoại ngữ chỉ bắt đầu dạy từ lớp 3 mà không được dạy sớm hơn từ lớp 1. Trẻ em càng nhỏ thì việc tiếp thu ngoại ngữ càng tốt hơn, nhanh hơn.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp cho đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 của Bộ GD-ĐT.
Bạn đọc có đồng tình với những ý kiến của tác giả bài viết? Mọi góp ý xin gõ vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ
Bình luận