Ông Mai Trọng Tuấn (SN 1938), cựu phi công Quân đội Nhân dân Việt Nam đã gửi thư lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… về đề xuất mở “đại lộ xương sống” đi qua 3 nước Đông Dương gồm: Lào, Campuchia và Việt Nam.
Ông Tuấn nhận định “đại lộ xương sống” sẽ là con đường ngắn nhất nối miền Bắc với miền Nam (giảm 40 – 50% khoảng cách so với quốc lộ 1A), giảm áp lực, tai nạn giao thông cho quốc lộ 1A, giảm quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Mặt khác, “đại lộ xương sống” sẽ giúp 3 nước phát triển về kinh tế, quân sự…, thắt chặt mối quan hệ láng giềng thân thiết.
Trước đề xuất táo bạo trên, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, TS Nguyên Lưu Bảo Đoan – Chuyên gia kinh tế, TS Phạm Sanh – Chuyên gia giao thông.
* PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM
Rút ngắn đường, tăng cường thông thương
- Ông đánh giá thế nào về đề xuất mở “đại lộ xương sống” nhằm giảm quá tải cho quốc lộ 1A và sân bay Tân Sơn Nhất của cựu phi công Mai Trọng Tuấn?
Việc giảm tải cho quốc lộ 1 hay sân bay Tân Sơn Nhất có thể thực hiện bằng một số phương án khác như phát triển đường sắt Bắc Nam, thiết lập đường thủy cao tốc, nâng cấp đường Hồ Chí Minh…
Tuy nhiên, đề xuất của cựu phi công Mai Trọng Tuấn có ưu điểm lớn nhất là rút ngắn khoảng đường TP.HCM – Hà Nội từ 1.900 km xuống còn 1.500 km, việc này mang lại lợi ích kinh tế rất lớn.
“Đại lộ xương sống” xuyên Đông Dương có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế chính trị giữa 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam thông qua phát triển giao thông, thương mại của con đường này.
- Nếu đề xuất trên được thực hiện, ông cho rằng 3 nước Đông Dương cần làm gì?
Đề xuất này mang lại lợi ích cho cả 3 nước nên có thuận lợi trong việc vận động sự ủng hộ quốc tế để có nguồn tài chính từ viện trợ và vốn vay từ WB, IMF, ADB… Để triển khai đề xuất này 3 nước cần thành lập một tổ chức để nghiên cứu dự án “đại lộ xương sống” này, trong đó các vấn đề kỹ thuật, tài chính, kinh tế, môi trường… được phân tích đầy đủ, và lộ trình thực hiện cũng được xây dựng.
Con đường này cần kết nối với Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia) và cả Bangkok (Thái Lan) để phát huy hiệu quả cho toàn khu vực.
Thủ tục xuất nhập cảnh hàng hóa khi qua 3 điểm biên giới Việt – Lào, Lào – Campuchia, Campuchia - Việt Nam cần được nghiên cứu để cho đơn giản và nhanh chóng.
- Các quốc gia sẽ được hưởng lợi như nào nếu “đại lộ xương sống” hình thành?
Việc mở “đại lộ xương sống” sẽ có lợi lớn cho cả 3 nước, nhất là việc phát triển vùng tương đối nghèo ở Nam Lào và Đông Campuchia. Tuy nhiên, việc rút ngắn 500 km đường bộ Bắc – Nam sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho Việt Nam.
* TS Nguyên Lưu Bảo Đoan – Chuyên gia kinh tế
“Đại lộ xương sống” không giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất
- Ông nghĩ “đại lộ xương sống” thuận lợi như thế nào đối với Việt Nam?
Quốc lộ 1 quá tải không phải vì thiếu đường mà vì chúng ta đang dồn về một con đường. Chúng ta đã có đường Hồ Chí Minh chạy song song.
Con đường này không dễ gì được đường xuyên quốc gia thay thế vì đường ông Mai Trọng Tuấn đề xuất không đi ngang qua các thành phố và thị trấn dọc quốc lộ 1.
Tuy nhiên đề xuất của ông Tuấn có giá trị trong vấn đề phát triển kinh tế vùng. Đường này nếu được xây dựng sẽ đem lại cơ hội giao thương cho các vùng thuộc Lào và Campuchia và mang đến lợi ích kinh tế rõ ràng cho 2 quốc gia nói trên.
Tuy nhiên hiệu quả của nó đối với nền kinh tế Việt Nam thì ít hơn. Nó có thể có giá trị về mặt quốc phòng cho Việt Nam. Nhưng vì lẽ đó mà các quốc gia sẽ dè dặt.
- Tác giả của đề án “đại lộ xương sống” cho rằng, con đường này sẽ giải quyết được vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, quan điểm của ông về vấn đề này?
Các dự báo về quá tải sân bay đưa ra không phải chỉ dựa vào nhu cầu bay nội địa cho nên đường xương sống này không thể thay thế sân bay.
Đánh giá của ông Tuấn có sai sót ở chỗ ông xem việc di chuyển trên đường tương đương như bay từ điểm A đến điểm B. Do đó, đánh giá của ông không xem xét đến nhu cầu di chuyển của những người sống tại các điểm giữa hai điểm A và B. Nhu cầu di chuyển này cần được ước tính cẩn thận, và có thể lớn hơn nhu cầu di chuyển từ A đến B hay từ B đến A. Và trong trường hợp đó, "đại lộ xương sống" không giúp giải quyết vấn đề mà ông Tuấn kỳ vọng.
Video: Kẹt xe khủng khiếp tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
Còn theo TS Phạm Sanh - Chuyên gia giao thông thì đề xuất mở "đại lộ xương sống" của cựu phi công Mai Trọng Tuấn khá hay nhưng sẽ khó thực hiện vì liên quan đến 3 quốc gia, 3 thể chế khác nhau.
Ông Sanh lý giải: "Mỗi quốc gia có một cơ chế, đặc thù về kinh tế, văn hóa, quốc phòng riêng nên sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề. Có thể thời điểm này họ đồng ý nhưng thời điểm khác họ thay đổi, xóa bỏ thì “đại lộ xương sống” sẽ bất lực".
Bình luận