• Zalo

Cựu Ngoại trưởng Philippines: Chấp nhận không đề cập phán quyết Biển Đông là phản bội lòng tin người dân

Thế giớiChủ Nhật, 01/09/2019 15:32:00 +07:00Google News

Sẽ là sự phản bội lòng tin của công chúng nếu chính quyền ông Duterte chấp nhận sự chối bỏ của Trung Quốc đối với phán quyết Biển Đông.

Sẽ là một sự phản bội lòng tin của người dân nếu chính quyền ông Duterte chấp nhận sự chối bỏ của Trung Quốc đối với phán quyết mang tính bước ngoặt, có tác dụng vô hiệu hóa yêu sách ngang ngược của nước này trên Biển Đông, trong đó có vùng biển của Philippines, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario khẳng định.

Theo Điện Malacanang, trong cuộc tiếp đón Tổng thống Rodrigo Duterte, Bắc Kinh tuyên bố quan điểm của họ về Biển Đông không phải là vấn đề để đưa ra đàm phán, đồng thời nhắc nhở nhà lãnh đạo Philippines không nên tiếp tục nêu lại chiến thắng pháp lý của Manila trong các cuộc gặp tương lai với lãnh đạo phía Trung Quốc, bởi hai bên sẽ chỉ “tiếp tục đối thoại hòa bình”.

1

 "Chấp nhận sự chối bỏ của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa Trọng tài là phản bội lòng tin của công chúng". (Ảnh: AP)

Việc đề nghị Philippines chấp thuận không đưa ra vấn đề này nữa chẳng khác nào một sự thừa nhận rằng Trung Quốc còn cao hơn cả luật pháp” - ông Del Rosario nói.

Điều này là rất sai. Nó sẽ là một sự phản bội niềm tin mà chúng ta đã đặt vào chính quyền của mình” - ông Del Rosario cho biết thêm.

Trước đó, trong cuộc hội đàm giữa ông Duterte và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 29/8, hai bên đi đến quyết định thành lập ủy ban chỉ đạo liên chính phủ và ủy ban hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước để xúc tiến việc thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông theo tỷ lệ ăn chia 60-40 nghiêng về Philippines.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói hai nước nên “gạt tranh chấp qua một bên, loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài” vào Biển Đông và “có thể tiến một bước lớn hơn” đối với việc khai thác dầu khí chung.

Trong khi đó, thời gian qua, hàng loạt chuyên gia và quan chức Philippines lẫn quốc tế đều ra sức cảnh báo về những hậu quả khó lường đối với Philippines và cả khu vực liên quan đến kế hoạch này. Theo đó, cái gật đầu của Manila sẽ khiến Bắc Kinh có thêm cơ sở để ép các bên khác trong khu vực phải chấp nhận đàm phán song phương và hiện thực hóa ý đồ “khai thác chung”, kể cả ở những khu vực không tranh chấp nhưng bị đưa vào yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.

Tổng thống Philippine Duterte với những chính sách “làm thân” với Trung Quốc đang phải hứng chịu những “cơn bão” chỉ trích ngày càng dữ dội tại quê nhà, nhất là sau những căng thẳng từ vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Philippines hồi tháng 6 tại vùng biển tranh chấp.

Mới đây nhất, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 13/8, phó Tổng thống Philippines Leni Robredo cho rằng ông Duterte đang “bán rẻ” đất nước cho Bắc Kinh.

Tôi hiểu vì sao chính quyền mới của chúng tôi lại thân thiện hơn đối với Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng cần có một đường lối rõ ràng trong việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước chúng tôi. Tổng thống Duterte đã đưa ra rất nhiều tuyên bố khiến mọi người có cảm giác là Philippines đang chấp nhận mọi đòi hỏi của Trung Quốc” - Phó Tổng thống Philippines phát biểu.

Bà Robredo khẳng định công luận Philippines đang lo sợ “một ngày nào đó mở mắt thức dậy thì thấy nhiều vùng lãnh thổ của mình không còn là của mình nữa”.

Trước đó, cựu Tổng thống Benigno Aquino III cho rằng khu vực biển Tây Philippines (Biển Đông) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila (EEZ) nên quốc gia này không có nghĩa vụ phải chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc.

"Tỷ lệ thương lượng là 60-40 nghiêng về Philippines. Nhưng cuối cùng nó có thể đảo ngược. Trung Quốc sẽ cố đạt tới 60 hoặc 70", ông cảnh báo, khẳng định không thể tin tưởng Bắc Kinh và nhấn mạnh đề xuất của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho quốc gia mình.

Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio nhắc lại các điều khoản trong Hiến pháp năm 1987 quy định cấm phát triển chung trong vùng EEZ.

Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal cũng khẳng định phát triển chung trong một khu vực như vậy được coi là "không phù hợp" với phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra năm 2016.

Trong phán quyết của mình, Tòa Trọng tài khẳng định "đường lưỡi bò" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, nghĩa là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong "đường lưỡi bò".

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn