• Zalo

Cựu lãnh đạo NATO: Nga sẽ dừng hoạt động quân sự nếu Ukraine là thành viên NATO

Quân sựThứ Tư, 15/11/2023 11:42:08 +07:00Google News
(VTC News) -

Nếu Ukraine trở thành thành viên của NATO thì Nga sẽ phải dừng các hoạt động quân sự của mình, bởi Moskva sẽ không muốn phải đối đầu với cả tổ chức này.

Cựu Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen nói rằng, Ukraine nên được mời gia nhập khối càng sớm càng tốt. Vị cựu Thủ tướng Đan Mạch cũng tin rằng, sự can thiệp quân sự của NATO theo Điều 5 sẽ buộc Nga phải dừng hoạt động quân sự của mình.

Ngay cả những người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất cũng thừa nhận rằng, Kiev không thể gia nhập khối quân sự chừng nào xung đột với Nga vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, Rasmussen tin tưởng việc mời Ukraine vào trong liên minh sẽ hạn chế nguy cơ leo thang với Moskva.

Ông Rasmussen nói với tạp chí The Guardian: “Độ tin cậy tuyệt đối của các đảm bảo trong Điều 5 sẽ ngăn chặn Nga tiến hành các cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ Ukraine và điều đó sẽ tạo điều kiện cho các lực lượng Ukraine tập trung mọi nguồn lực cho tiền tuyến”.

Điều 5 của hiệp ước NATO quy định rằng, một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên sẽ gây ra phản ứng từ toàn bộ liên minh, vì vậy khối này sẽ phải tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine và chiến đấu chống lại Nga nếu Kiev được thừa nhận gia nhập tổ chức.

Theo The Guardian, ông Rasmussen tin rằng đề xuất của ông giống như việc áp đặt vùng cấm bay trên các vùng lãnh thổ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev và điều này sẽ ngăn cản những hoạt động không kích của Nga. Ông nói thêm: “Để làm cho Điều 5 trở nên đáng tin cậy, cần phải gửi một thông điệp rõ ràng tới Nga rằng bất kỳ hành vi vi phạm lãnh thổ NATO nào cũng sẽ bị đáp trả”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.

Tại cuộc họp năm nay ở Vilnius thủ đô Lithuania, NATO đã không đưa ra một mốc thời gian rõ ràng cho Ukraine gia nhập, điều này khiến chính quyền Kiev tức giận. Tổng thống Zelensky gọi đó là "chưa từng có và vô lý", nhưng nhà lãnh đạo Ukraine cũng phải đưa ra đánh giá tích cực cho kết quả của hội nghị thượng đỉnh NATO do việc thành lập Hội đồng NATO-Ukraine.

Ông Rasmussen, cựu Thủ tướng Đan Mạch, người lãnh đạo NATO từ năm 2009 đến 2014, hiện đang là cố vấn Tổng thống Ukraine tin rằng, hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Washington vào mùa hè 2025 sẽ là thời điểm hoàn hảo để Ukraine chính thức gia nhập vào khối này. Ông nói “Chúng ta cần một cấu trúc an ninh châu Âu mới, trong đó Ukraine là trung tâm của NATO” .

Trong nhiều năm qua, Nga luôn phản đối việc mở rộng về phía đông của NATO, vì coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ. Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, sự can dự của khối NATO vào Ukraine là một trong những lý do chính khiến Moskva tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Kiev.

Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu lần đầu tiên tuyên bố đưa Ukraine vào danh sách mục tiêu của mình vào năm 2008, bác bỏ cảnh báo của Moskva rằng hành động này sẽ vượt qua ranh giới đỏ. 

Sau cuộc đảo chính năm 2014 ở Kiev, chính phủ mới của Ukraine đã từ bỏ chính sách quốc gia trung lập và tuyên bố rằng, gia nhập NATO là mục tiêu hàng đầu của họ. 

Moskva cho biết, kể từ đó các quốc gia thành viên NATO đã huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine cũng như thiết lập cơ sở hạ tầng quân sự ở nước này, nhưng lại chưa chính thức chấp nhận đơn xin gia nhập trở thành thành viên NATO của Kiev.

Lê Hưng(Russia Today)
Bình luận
vtcnews.vn