Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, nói rằng bằng cách rút khỏi hiệp ước năm 1987, Mỹ đang giáng một đòn chí mạng không chỉ vào an ninh châu Âu, mà cho toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế.
"Việc chấm dứt hiệp ước sẽ khó có lợi cho cộng đồng quốc tế, động thái này làm suy yếu an ninh không chỉ ở châu Âu, mà trên toàn thế giới," ông Gorbachev, 88 tuổi, nói với Interfax hôm 2/8.
Ông từng hy vọng Washington sẽ đảo ngược tiến trình của mình và sửa đổi quyết định mà họ đưa ra hồi tháng 2. Điều đó không xảy ra.
Matxcơva thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc vi phạm thỏa thuận, thay vào đó đổ lỗi cho Washington vì không tuân thủ thỏa thuận. Nga coi việc triển khai các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tới châu Âu, có thể dễ dàng tái sử dụng để bắn tên lửa hạt nhân tầm trung, như một sự vi phạm hiệp ước.
"Từng có một số hy vọng được đặt vào đối tác của chúng tôi, thật không may, đã không thành hiện thực. Tôi nghĩ rằng, bây giờ tất cả chúng ta đều có thể thấy một đòn đã đánh mạnh vào an ninh thế giới", ông nói.
Động thái này của Mỹ sẽ gây ra tâm lý lo ngại và hỗn loạn của chính trị quốc tế. Ông Gorbachev là người cùng với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký vào hiệp ước năm 1987.
Tuyên bố của ông Gorbachev được đưa ra sau khi Mỹ quyết định rút khỏi hai hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga là INF và Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 31/7 thông báo sự kết thúc của INF vào ngày 2/8, đồng thời khẳng định Washington không gia hạn New START khi nó hết hiệu lực vào năm 2021.
Theo INF 1987, Mỹ và Nga đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tầm trung (1.000 - 5.500 km) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm ngắn (500 - 1.000 km) trên mặt đất (không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển), chấm dứt thế đối đầu hạt nhân mang nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu.
Hiệp ước START mới được ký kết năm 2010 và hiện là thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Nga và Mỹ. START mới quy định trong vòng 7 năm kể từ ngày hiệp ước chính thức có hiệu lực (năm 2011), Nga và Mỹ phải cắt giảm khoảng một phần ba tiềm năng hạt nhân tiến công của mình.
Bình luận