Hồi đầu tháng 2, Tổng thống Trump tuyên bố ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ông nhấn mạnh tiến trình này sẽ được hoàn tất trong 6 tháng trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước với việc phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan.
6 tháng từng được kỳ vọng là khoảng thời gian để Nga và Mỹ cùng ngồi xuống để cứu vãn hiệp ước có tuổi đời hơn 30 năm. Nhưng tất cả chính thức chấm dứt cách đây 4 ngày khi Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ rời đi từ ngày 2/8. Đáng quan ngại hơn, ông Bolton cho biết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa Washington và Matxcơva hết hạn vào năm 2021 có thể sẽ không được gia hạn.
Nếu coi thông tin Mỹ rút khỏi INF là bom bi, lời gợi mở ảm đạm về tương lai START của ông Bolton dường như là bom tạ đối với những người theo đuổi nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Sau khi Washington đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo 1972 (Hiệp ước ABM) trong năm 2002, INF và START được coi như "dây neo", kiềm chế 2 cường quốc hạt nhân thế giới vượt "lằn ranh đỏ" nguy hiểm với an ninh và ổn định toàn cầu. Chúng cũng là những cột trụ cuối cùng chống đỡ hệ thống chống phổ biển vũ khí hạt nhân thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Khi Tổng thống Mỹ Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev ký kết INF ngày 8/12/1987, Mỹ và Nga đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tầm trung (1.000 - 5.500 km) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm ngắn (500 - 1.000 km) trên mặt đất (không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển), chấm dứt thế đối đầu hạt nhân mang nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu.
Trong hơn 30 năm tồn tại, INF góp phần vào sự ổn định ở châu Âu nhưng Mỹ, Nga vẫn không ngừng cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước. Theo Mỹ, loại tên lửa Novator 9M729 mới của Nga mà NATO gọi là SSC - 8, có khả năng tấn công châu Âu trong thời gian cực nhanh, bị cấm bởi INF. Ở bên kia, Nga tố Mỹ vi phạm INF bằng việc lấy cớ triển khai hệ thống phòng không ở châu Âu, nhưng thực chất hệ thống này lại có khả năng phóng các tên lửa hành trình tấn công Tomahawk.
Giờ đây, khi chính thức rút khỏi INF, Mỹ giáng đòn mạnh vào hệ thống kiểm soát vũ khí toàn cầu, cũng như nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên thế giới. Nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang đang trở nên rõ nét hơn khi các nước có thể "tát nước" theo mưa, cùng Nga và Mỹ dấn thân vào một cuộc đua vũ khí đầy mạo hiểm.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc Mỹ kiên quyết rút khỏi hiệp ước hạt nhân ký kết năm 1987 có thể xuất phát từ việc Washington muốn xây dựng lại một kho vũ khí tầm trung mới, đối trọng với kho vũ khí tầm trung mà Trung Quốc đang phát triển trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Zhao Tong, chuyên gia an ninh hạt nhân thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie – Tsinghua tin rằng khi Mỹ rút khỏi INF, các nước khác sẽ quan tâm hơn đến việc phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng giữa các cường quốc.
Thượng nghị sỹ Nga Oleg Morozov có cùng quan điểm khi nhận định động thái của Mỹ sẽ đe dọa tới toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế. Ông này cho rằng Nga sẽ là nước đầu tiên phải đối mặt với những nguy cơ nhãn tiền khi Mỹ triển khai các loại tên lửa tới một số nước châu Âu.
Một số nhà phê bình tới từ Mỹ lại cảnh báo rằng khi Washington dứt áo rời INF vì lý do Matxcơva ngầm sản xuất tên lửa vi phạm hiệp ước, Matxcơva tới đây có thể danh chính ngôn thuận phát triển vũ khí họ muốn mà không còn bị các thỏa thuận kìm kẹp. Chris Murphy, nghị sỹ đảng Dân Chủ tới từ Connecticut gọi quyết định rút Mỹ khỏi INF là "món quà" cho Nga, cho phép người Nga tăng cường phát triển các vũ khí hạt nhân tầm trung mà không lo bị Mỹ dòm ngó.
Bước đi mới của Mỹ cũng đẩy 2 cường quốc kiểm soát 90% kho vũ khí hạt nhân thế giới lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng, tạo ra "khoảng trống" đáng quan ngại trong hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược quốc tế.
Theo Tổ chức chống hạt nhân ICAN, mặc dù INF là thỏa thuận ràng buộc giữa 2 quốc gia, nhưng việc nó sụp đổ sẽ đe dọa tới toàn thế giới. Người duy nhất vui mừng là các nhà sản xuất vũ khí hạt nhân, những người được cho là luôn "háo hức" cho kịch bản về Thế chiến III.
ICAN cho rằng cùng với tuyên bố rút khỏi INF, Mỹ đang đặt hàng triệu người châu Âu và người Mỹ vào nguy hiểm. Bản thân nhiều nước EU dường như cũng không mấy thích thú với động thái của Mỹ bởi lo sợ sẽ trở thành chiến trường đối đầu giữa các cường quốc.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh NATO phải đảm bảo rằng sau sự sụp đổ của Hiệp ước INF, khối này cần duy trì khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy. Ông nói thêm rằng một mặt, NATO kêu gọi Nga quay trở lại tuân thủ để cứu hiệp ước, nhưng mặt khác, các nước thành viên cũng đang chuẩn bị cho một thế giới không có INF. Về phần mình, Nga khẳng định sẽ không thay đổi chính sách liên quan tới việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung.
Ulrich Kuhn, chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Viện nghiên cứu và an ninh hòa bình ở Hamburg, Đức nói rằng thế giới chắc chắn sẽ rất nhớ INF sau khi nó biến mất bởi chúng ta sẽ nhanh chóng trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo ông Kuhn, việc Mỹ rút đi sẽ gây ra những sự chia rẽ nhất định ở châu Âu về cách đối phó với các động thái triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trong tương lai.
"Chúng ta có thể thấy trước tình huống mà các quốc gia Trung và Đông Âu nói rằng chúng ta thực sự cần phải đẩy lùi người Nga và những người châu Âu khác nói rằng chúng ta không muốn điều đó. Điều đó có thể khiến NATO gặp rắc rối nghiêm trọng", ông Kuhn nhận định.
Trong khi đó, ông Pavel Palazhchenko, trợ lý của cựu lãnh đạo Gorbachev cảnh báo nếu như Mỹ rút luôn khỏi START, thế giới sẽ tiến tới một tương lai không kiểm soát vũ khí, không xác minh lẫn nhau và không hạn chế lẫn nhau.
Hiệp ước START mới được ký kết năm 2010 và hiện là thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Nga và Mỹ. START mới quy định trong vòng 7 năm kể từ ngày hiệp ước chính thức có hiệu lực (năm 2011), Nga và Mỹ phải cắt giảm khoảng một phần ba tiềm năng hạt nhân tiến công của mình.
Cảnh báo của ông Bolton hôm 30/7 khiến nhiều người cho rằng Washington cũng không còn mặn mà với hiệp ước này và khả năng Mỹ rút khỏi START mới vào năm 2021 khi nó hết hạn là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đồng quan điểm với ông Palazhchenko, hầu hết các chuyên gia tin rằng nếu cả START cũng bị "thủ tiêu", thế giới gần như sẽ bị đẩy vào thế đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc hạt nhân như từng xảy ra đầu những năm 1970. Đây là viễn cảnh u uất nhất khi không có giới hạn pháp lý ràng buộc nào đối với 2 siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới và rủi ro cạnh tranh hạt nhân Mỹ - Nga sẽ tăng lên.
"Nếu không có INF và START thì sắp hết hạn, sẽ không còn giới hạn về mặt pháp lý có thể kiểm chứng đối với 2 kho vũ khí lớn nhất thế giới lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ", cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Thomas Countryman cảnh báo.
Tuy nhiên, chuyên gia giải giáp vũ khí Thụy Sĩ Oliver Thränert nhận định kể cả khi START được gia hạn, nó cũng sẽ chỉ như miếng gạc đặt hờ vào vết thương đang lở loét nghiêm trọng khi cả Nga và Mỹ đều đang mất dần niềm tin vào nhau và mong muốn theo đuổi chương trình hạt nhân của riêng mình.
Theo chuyên gia Thụy Sỹ, không thể phủ nhận vai trò của Washington và Matxcơva trong cuộc đua hạt nhân hiện nay, nhưng kiểm soát vũ khí hạt nhân là một vấn đề đa phương chứ không phải là song phương.
"Tầm ảnh hưởng của châu Á đang tăng theo cấp số nhân. Mặc dù Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan vẫn còn cách khá xa Mỹ và Nga khi nói về quy mô kho vũ khí hạt nhân, nhưng họ vẫn đang cố gắng bắt kịp và đó là điều không thể bỏ qua", ông phân tích.
"Theo hướng này, các ý kiến đưa Trung Quốc vào các hiệp ước tương lai là hoàn toàn đúng đắn. Từ quan điểm của Washington, đây là bước đi gần như bắt buộc vì Bắc Kinh đã thay thế Matxcơva như là thách thức lớn của thế kỷ 21", ông nói thêm.
Ông Thränert cũng cảnh báo kiểm soát vũ khí trong tương lai sẽ không chỉ tập trung vào vũ khí hạt nhân. Các công nghệ khác như tên lửa phòng thủ, vũ khí chính xác tầm xa, thông thường hay vũ khí không gian mạng cũng đang đe dọa tới sự ổn định chiến lược của thế giới.
Bình luận