Những năm 1967-1968, chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Nhằm giúp các cầu thủ Việt Nam, hầu hết là CLB Thể Công được tập luyện, thi đấu cọ xát, phía Triều Tiên đã đài thọ 100% chuyến tập huấn cho đội bóng Quân đội Việt Nam.
Sau một năm tập huấn, lứa cầu thủ Thể Công vang bóng một thời với những Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải... đánh đâu thắng đó, gần như không có đối thủ.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải và được ông chia sẻ những kỷ niệm khó quên trong một năm tập huấn tại nước bạn Triều Tiên.
- Thưa ông! Ông có thể cho biết, thời điểm ông và đồng đội sang Triều Tiên tập huấn vào thời gian nào? Và vì sao có chương trình tập huấn đó? Bối cảnh lúc đó tại Triều Tiên như thế nào?
Chúng tôi sang Triều Tiên trong giai đoạn (1967 - 1968), đó là lúc đất nước đang rơi vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất. Chính vì vậy, rất nhiều trung tâm, cơ sở thể thao đã phải giải tán, ví dụ như Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia 5 năm sau đã giải tán.
Đối với CLB Thể Công thời đó, lúc đầu chúng tôi tập luyện trên mặt sân rộng lớn nhưng không an toàn vì nếu để máy bay Mỹ phát hiện ra là bị ném bom. Sau đó, đoàn Thể thao quân đội chỉ giữ lại 4 đội là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và đội thể dục dụng cụ.
Để phát triển và nâng cao trình độ cho các vận động viên, lãnh đạo của đoàn đã liên hệ đưa chúng tôi sang Triều Tiên tập huấn. Dựa trên quan hệ thân thiết giữa Việt Nam với Triều Tiên thời đó, khi lãnh đạo của đoàn đặt vấn đề là Triều Tiên nhận lời ngay.
Sở dĩ, thời điểm đó, các lãnh đạo chọn Triều Tiên là nơi tập huấn bởi vì: Thứ nhất, Triều Tiên là nước châu Á, có quan hệ rất tốt với Việt Nam. Thứ hai, Triều Tiên vừa lọt vào Tứ kết World Cup 1966.
Triều Tiên nhận lời để các vận động viên Việt Nam tập huấn trong 3 năm và lãnh đạo đã quyết định để 4 đội của Đoàn thể thao quân đội lần lượt sang. Trong đó CLB Thể Công được sang trước và tập huấn ở đó một năm.
Tháng 11/1967 chúng tôi bắt đầu lên đường.
- Năm 1967 đất nước đang rơi vào thời điểm chiến tranh ác liệt, vậy ông có thể tiết lộ hành trình di chuyển sang Triều Tiên lúc đó như thế nào?
Đoàn chúng tôi gồm 30 người trong đó có 26 cầu thủ và 4 cán bộ. Trưởng đoàn là bác Ngô Xuân Quýnh, đoàn phó kiêm HLV trưởng là bác Nguyễn Văn Tiền. Chúng tôi đóng giả làm một đội công nhân và được xe tải đón ở làng Đại Từ (thuộc huyện Hoài Đức bây giờ).
Chuyến xe đã đưa chúng tôi đến Bằng Tường (Trung Quốc), tại đây, cả đội lại lên tàu hỏa và đi qua Bắc Kinh rồi đến sông Áp Lục, thị trấn Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh (biên giới Trung Quốc - Triều Tiên). Đến đây cả đội tiếp tục đi tàu về Bình Nhưỡng.
Hành trình từ Việt Nam sang Triều Tiên lúc đó hết sức bí mật.
- Trong hành trình đó, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?
Với tôi, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi đi qua Trung Quốc. Trên đường đi kéo dài hàng nghìn Km từ Bằng Tường ra Áp Lục Giang, đoàn chúng tôi được quân đội Trung Quốc phát cho mỗi người một quyển sách về những câu nói của chủ tịch Mao Trạch Đông trên tàu.
Thời đó, Trung Quốc đang diễn ra cách mạng văn hóa nên rất khó khăn, cuộc sống người dân cũng khổ nhưng so với chúng ta họ vẫn hơn vì đất nước họ đã hòa bình rồi.
Còn tại đất nước Triều Tiên, đời sống nhân dân của họ lúc đó rất tốt. Đất nước thanh bình và người dân rất thân thiện, vui vẻ. Người dân Triều Tiên đón tiếp chúng tôi giống như đón tiếp những người anh em của họ vậy.
Tại đây, chúng tôi được đón tiếp và ở chung với tất cả các vận động viên tại Trung tâm thể thao quân đội nên chế độ ăn giống với VĐV của họ.
Hồi đấy khổ lắm! Nhưng khi vào đến trung tâm được Triều Tiên phát cho từ cái bàn chải đánh răng, kim chỉ… để đảm bảo sinh hoạt hằng ngày khiến chúng tôi hết sức cảm động.
Về điều kiện tập luyện, cán bộ của đoàn đã đặt vấn đề muốn Triều Tiên giúp về chuyên môn tập luyện giống như kiểu của họ nhưng không được chấp nhận. Triều Tiên đề nghị đoàn chúng tôi hãy tập theo cách của mình và họ sẽ lo hết yêu cầu. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng bố trí cho chúng tôi các trận để thi đấu, những vấn đề chuyên môn mình cần họ đều đáp ứng đầy đủ hết.
Trong những trận giao hữu chúng tôi cũng từng nhiều lần chạm trán với tuyển thủ quốc gia của họ. Đó là những trận gặp đội Quân đội Triều Tiên, Bình Nhưỡng, Công nhân...
- Theo ông, thời đó trình độ bóng đá của Triều Tiên và Việt Nam chênh lệch nhau như thế nào?
Thời đó mình không là gì so với Triều Tiên, họ vừa vào top 8 thế giới còn chúng ta đang lẹt đẹt ở Đông Nam Á. Ở một số giải trước đó như giải Việt – Trung – Triều – Mông thì Việt Nam với Mông Cổ luôn “đội sổ’’.
Phải nói là chênh nhau rất lớn.
Bên cạnh đó, một số giải quốc tế khác thì Triều Tiên luôn được đánh giá rất mạnh. Về thể lực, Triều Tiên chơi ngang ngửa với các đội châu Âu. Lối đá cùa họ rất tiên tiến và hiện đại. Đây là những điều khi chúng tôi sang tập là nhìn thấy ngay.
Tuy nhiên, so với bây giờ thì họ bị lạc hậu một cách nghiêm trọng. Vừa rồi, khi xem trận đấu Việt Nam giao hữu với Triều Tiên tôi thấy thể lực họ rất kém, cảm giác như họ có lối đá thụt lùi, không có ý chí kiên cường như trước.
Khi xưa, chúng tôi cứ nói vui rằng: “Triều Tiên ăn Sâm chạy suốt ngày”, có nghĩa là riêng thể lực mình không theo được họ. Họ đá kinh khủng lắm, hồi đầu chúng tôi không thể chạy nổi với họ trong sân chỉ chạy được 45- 60 phút là hết hơi.
- Trong 1 năm đó, ông rút ra được điều gì khi tập huấn tại Triều Tiên?
Chúng tôi coi Triều Tiên là bậc thầy. Chúng tôi tự mình huấn luyện lối chơi nhưng chúng tôi đã học được lối chơi và ý chí chiến đấu của họ. Và chúng tôi đã rất thành công, bên cạnh đó cũng có một phần may mắn vì có một thầy HLV trưởng rất giỏi. Thầy Nguyễn Văn Tiền trưởng thành từ người nông dân phong trào nhưng tư duy của thầy rất giỏi và tạo cho chúng tôi lối chơi rất riêng biệt.
Về thể lực, chúng tôi rất khỏe và tạo ra lối chơi ít chạm và đá rất nhanh. Trước khi sang Triều Tiên, chúng tôi hay đá tập với các anh đội 1, thua ít nhất là 5 quả nhưng 1 năm sau tập huấn về các anh thua hết. Thậm chí, cùng lắm chỉ hòa thôi.
- Vậy từ bước đệm đó, thế hệ của ông đã tạo ra những thành tích như thế nào cho bóng đá Việt Nam trong những năm khói lửa?
Sau tròn 1 năm tập luyện trên đất bạn, đội Thể Công về nước, trở thành đội bóng mạnh nhất Việt Nam trong suốt nhiều năm sau đó. Thể Công đánh đâu thắng đó, và thường áp đảo về thể lực và lối chơi, tạo ra hiệu ứng giống như lứa U19 HAGL vài năm trước.
Cũng nhờ năm đó mà Thể Công có một lứa cầu thủ rất tốt và đồng đều. Hầu hết các cầu thủ của Thể Công đều khoác áo ĐTQG và sau đó trở thành những ngôi sao như bác Nguyễn Trọng Giáp, Bá Đẻn, Vương Tiến Dũng hay Phan Văn Mỵ…
Lúc đó, ĐTQG có 23 người thì Thể Công luôn chiếm 13 người. Trong đó, nếu không có sự ưu ái với các cầu thủ khác thì cả đội hình Thể Công sẽ được chọn. Thường thì khi chúng ta đá với đội nước ngoài, huấn luyện viên vẫn gọi thêm một số cầu thủ ở các đội khác như Công an Hà Nội...
Tôi nhớ trận đấu giữa ĐT Việt Nam gặp Cuba năm 1970 tại Hà Nội chúng ta hòa 1-1 nhưng riêng đội Thể Công đá thì thắng Cuba 3-2.
Có thể nói, Thể Công đi Triều Tiên sau 1 năm về tạo một hiệu ứng rất lớn và dường như cứ nghe Thể Công - Triều Tiên là khán giả đến xem rất đông bất kể chiến tranh.
- Thời gian ở Triều Tiên ông và đồng đội có được tiếp xúc với người dân bản địa không? Tình cảm và cách họ ứng xử với ông như thế nào?
Thời điểm đó, lãnh đạo vẫn thoải mái cho chúng tôi đi chơi nhưng cố gắng tập trung vào chuyên môn là chính. Bên cạnh đó, do tình hình của Triều Tiên lúc đó khá căng thẳng nên chúng tôi chỉ tiếp xúc khá hạn chế với người dân của họ.
Trong những lần tiếp xúc ít ỏi đó, tôi cảm nhận được người Triều Tiên rất quý mến người Việt Nam. Chỉ cần biết người Việt Nam thì họ sẽ tận tình giúp đỡ và nói chuyện rất thân mật.
Đặc biệt giữa quan hệ của chúng tôi và các cầu thủ, vận động viên Triều Tiên rất thân tình, vui vẻ… Có thể nói, họ dành nhiều sự ưu ái cho chúng tôi.
- Vậy theo ông, thời điểm hiện tại, quan hệ riêng về lĩnh vực thể thao giữa Việt Nam và Triều Tiên như thế nào?
Tôi nghĩ Triều Tiên đang trong thời điểm khó khăn nên có thể đời sống của họ không được tốt lắm. Điều này dẫn đến sự giao lưu về thể thao rất hạn chế.
Tuy nhiên, ngay hiện tại có một hội học sinh, sinh viên từng học tập, tập huấn tại Triều Tiên vẫn thường xuyên tổ chức chương trình để giúp đỡ Triều Tiên trong những năm vừa rồi.
Phải nói ở đấy một năm nhưng tôi có rất nhiều tình cảm đối với đất nước Triều Tiên. Chúng tôi luôn nhớ và không bao giờ quên ơn những người đã giúp đỡ mình. Chính vì sự giúp đỡ ấy mà 26 cầu thủ chúng tôi có điều kiện trưởng thành và đóng góp nhiều cho thể thao Việt Nam sau này.
- Hiện tại, ông còn giữ được liên lạc với ai ở bên Triều Tiên không?
Chỉ có một người duy nhất có quan hệ với chúng tôi nhưng ông ấy cũng vừa mất rồi. Thời đó, ông ấy mang quân hàm đại úy và được Triều Tiên cử theo giúp đỡ đoàn trong quá trình tập luyện. Còn những cầu thủ khác tôi đã mất liên lạc từ lâu.
Gần đây, tôi có gặp một chuyên gia bóng đá Triều Tiên, sang huấn luyện đội nữ Hà Nội B. Rất bất ngờ khi chuyên gia này cũng biết đội Thể Công năm đó. Hồi đó, ông ấy mới chỉ khoảng 14 tuổi, được xem những trận giao hữu giữa đội bóng Quân đội Việt Nam với các đội bóng Triều Tiên, và rất ấn tượng với cầu thủ Việt Nam.
Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải kết thúc câu chuyện với sự tiếc nuối và nỗi nhớ về một thời thắm tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Triều Tiên.
Các trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Triều Tiên gợi lại cho lứa thế hệ cầu thủ Thể Công 50 năm trước nhiều kỷ niệm, cảm xúc đặc biệt. Ông Hải cũng luôn mong hai nước phát triển tình hữu nghị, đoàn kết, qua đó các đội bóng Việt Nam và nước bạn có nhiều cơ hội đá giao hữu để cống hiến cho người xem những trận đấu hay, hấp dẫn.
Bình luận